Chờ...

Bác Hồ - Người khai sáng và kiến tạo sự nghiệp kỳ vĩ

(VOH) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người có vai trò và đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại.

Với tầm nhìn thời đại, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc - từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

bac-ho-nguoi-khai-sang-va-kien-tao-su-nghiep-ky-vi-voh.com.vn-anh1
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Ảnh tư liệu)

Suốt cả cuộc đời của Người luôn hoài bão một tâm niệm và mục đích tối cao “là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân”. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, Người vẫn canh cánh trong lòng “ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với hoài bão thiêng liêng cùng sự đấu tranh không ngừng nghỉ, hy sinh quên mình, Bác Hồ và Đảng ta đã làm nên cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, thắng lợi đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân và xây dựng cuộc sống mới.

Phát huy bài học nhạy bén nắm bắt thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ và Đảng ta vận dụng sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với những dấu son lịch sử oanh liệt: chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 giành độc lập trọn vẹn cho đất nước, đưa dân tộc vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng dân  của Người đã được Đảng ta quán triệt xuyên suốt trong cả tiến trình cách mạng, đặc biệt là trong quá trình đổi mới. Nhờ đó, công cuộc đổi mới hơn 35 năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; ghi cột mốc và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tư tưởng của Người đã được biểu hiện sinh động trong sự vận dụng sáng tạo, phát triển của Đảng, thực sự trở thành giá trị to lớn đối với con đường đi lên của dân tộc. Trong giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta, chiến sĩ ta từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ biển đảo xa xôi đến biên giới Tổ quốc tiếp tục đồng tâm hiệp lực thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” của Người: “…xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Càng tự hào với những thắng lợi trong chiến tranh, đồng bào và chiến sĩ cả nước càng phải tỉnh táo, thận trọng trước những thuận lợi và cả khó khăn của thời kỳ toàn cầu hóa, để thực hiện đổi mới và hội nhập và phát triển thành công. Hơn bao giờ hết, Đảng ta càng cần phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn. Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Điều này được Bác thường xuyên nhắc nhở, bản thân Người là tấm gương trong sáng, một mẫu mực tuyệt vời về đạo đức cách mạng. Lường trước những nguy cơ của một đảng cầm quyền dễ mắc phải những sai lầm, khuyết điểm, nhất là về phẩm chất đạo đức cách mạng, trong Di chúc Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tiếp thu tư tưởng của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta rất quan tâm và coi trọng công tác xây dựng Đảng. Trong các kỳ Đại hội điều có báo cáo về xây dựng Đảng hoặc báo cáo về công tác xây dựng Đảng nằm trong báo cáo Chính trị, có các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã có bước phát triển quan trọng về quan điểm, nhận thức khi nhấn mạnh yếu tố đầu tiên trong mục tiêu tổng quát phát triển những năm tới là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”, đồng bộ với việc nhấn mạnh và đưa “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là thành tố đầu tiên trong chủ đề Đại hội XIII. Đặc biệt, 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: Từ "chiếc gương soi" đến những dấu ấn đột phá, không chỉ ở Trung ương, mà từ đảng bộ cấp tỉnh, thành phố đến cơ sở, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, hệ thống; nhất là việc nhận diện, đấu tranh, loại trừ “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đã trở thành việc làm thường xuyên, quyết tâm chính trị của cả hệ thống. "Chiếc gương soi chiếu" những khuyết tật được các đảng bộ vận dụng triệt để, góp phần làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức.

Tháng 5 này, kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác Hồ. Thể hiện lòng biết ơn sâu nặng và tình cảm thủy chung của mọi tầng lớp nhân dân ta đối với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của Đảng và của dân tộc, cán bộ Đảng viên và mỗi người Việt Nam, trên cương vị của mình, dù sống và làm việc ở đâu, bao giờ cũng ý thức rằng, chúng ta có chung một Tổ quốc yêu dấu, đồng bào anh hùng, dũng cảm, nhân nghĩa, thủy chung, đang tự vượt lên để khẳng định mình trong cộng đồng quốc tế để chung tay, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc.

Bình luận