Chờ...

Góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Đột phá về thể chế, con người và cơ sở hạ tầng ở tầm chiến lược

(VOH) - PGS-TS Nguyễn Huy Bích - Trưởng khoa Cơ khí Công nghệ - trường Đại học Nông Lâm TPHCM đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Quan tâm và đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, PGS-TS Nguyễn Huy Bích - Trưởng khoa Cơ khí Công nghệ - trường Đại học Nông lâm TPHCM tâm đắc về vấn đề đột phá về thể chế, đột phá về con người và đột phá về cơ sở hạ tầng ở một tầm chiến lược trong dự thảo văn kiện đã nêu. Đồng thời, trong nhiệm kỳ tới, ông mong muốn đại hội quan tâm đến chiến lược phát triển nông nghiệp, hội nhập quốc tế.

Góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Đột phá về thể chế, con người và cơ sở hạ tầng ở tầm chiến lược
 

PGS-TS Nguyễn Huy Bích - Trưởng khoa Cơ khí Công nghệ - trường Đại học Nông Lâm TPHCM (đứng) tại cuộc họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Thiết kế chế tạo máy xới đất cho cây ăn quả”. Ảnh: dongthap

"Tôi có xem 4 văn kiện dự thảo thì trong đó có văn kiện là chiến lược của đảng định hướng sự phát triển của đất nước trong giai đoạn 2030-2045, tâm huyết lớn nhất bao trùm lên các văn kiện là tinh thần quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh và tất cả là vì nhân dân. Cái đó là tinh thần rất là tốt khẳng định tính xuyên suốt và tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo đất nước Việt Nam và vấn đề làm khoa học thì thấy rằng có ba cái việc chính mà văn kiện đã đề ra, phải tạo ra được sự đột phá. Đó là đột phá về thể chế, đột phá về con người và đột phá về cơ sở hạ tầng ở một tầm chiến lược có chiều sâu đấy là tâm đắc của bản thân tôi.

Có thể sau khi đại hội xong thì sẽ có từng Nghị quyết để thực hiện từng lĩnh vực thì mình tâm đắc là đột phá về con người. Bởi vì con người là quyết định cho sự thành bại của sự phát triển. Về con người thì có một là con người về quản lý, con người về làm trực tiếp làm khoa học và con người làm giáo dục thế hệ trẻ. Cái khó và các cần làm là cần phải chi tiết hóa, cụ thể cho từng giải pháp cụ thể, trong từng giai đoạn đoạn phát triển. Đối với giáo dục, riêng về giáo dục Đại học thì rất là đúng hướng, hiện nay là hiện đại hóa đại học và hội nhập quốc tế sâu. Trên bình diện đó mới giải quyết được hệ thống đại học ngày càng phát triển và ngang tầm với khu vực và thế giới. Sắp tới góp ý để cho phát triển thì chúng ta phải có chiến lược dài hơi để xây dựng đội ngũ giảng viên và nghiên cứu khoa học một cách căn cơ để người ta yên tâm làm việc, đời sống tương thích, đủ để người ta làm việc một cách lâu dài. Thứ hai là môi trường làm việc đối với phương tiện nghiên cứu làm việc phải đầy đủ, thì lúc đó mới có sự cộng sinh đột phá phát triển tốt.

Thứ ba là đối với nông nghiệp, một vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam là nằm ở mức còn đang rời rạc và nông dân thích gì làm nấy và công nghệ thì thay đổi hàng ngày. Vì vậy cần phải giải quyết bài toán nông nghiệp bằng cách là đầu tư Giúp cho nông nghiệp, nông dân có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới thông qua những hình thức như: có giải pháp về bồi dưỡng, hỗ trợ, tập huấn, khuyến nông, môi trường trong nông nghiệp … Tất nhiên trong một nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc không thể đưa ra cụ thể từng vấn đề, nhưng trong bình diện của chiến lược chung thì cũng chỉ rất rõ, trong ba đột phá đó thì có đột phá về con người rất là chuẩn và sau khi có nghị quyết thì kỳ vọng đảng sẽ có bước đi cụ thể, ra nghị quyết chuyên đề, giống như mình đã có những nghị quyết chuyên đề về 4.0 thì đất nước sẽ phát triển và kỳ vọng rất lớn vào trong tinh thần trí tuệ của toàn thể.

Đối với vấn đề hội nhập quốc tế thì chúng ta phải có quan điểm rõ ràng đó là hội nhập nhưng không được hòa tan, hội nhập phải giữ được độc lập tự chủ và linh hồn văn hóa của người Việt đấy là nguyên lý. Trong điều kiện hội nhập quốc tế thì riêng về nhiều vấn đề lĩnh vực nhưng mà rõ ràng trong bước đi những năm vừa qua và sắp tới thì gần như chúng ta đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục của thế giới. Hiện nay giao lưu rất thoải mái, việc học hành đi lại rất thuận tiện trao đổi văn hóa, trao đổi nghiên cứu khoa học rất thuận tiện. Trong hệ thống giáo dục Đại học thì hầu như đã hội nhập được hết. Trong sản xuất thì các hiệp định thương mại với cộng đồng châu Âu và hiệp định thương mại tự do với Bắc Mỹ … đã rõ ràng, và chúng ta đã hội nhập và chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng. Khi đã chơi sòng phẳng thì năng lực nội tại và trình độ của chúng ta phải đáp ứng được, mà muốn trình độ và năng lực đáp ứng được thì sức của mình phải ngang vai ngang sức thì mình phải có chiến lược đầu tư. Quay trở lại vấn đề vẫn là đột phá về con người, khi mà đột phá về con người thì phải có đột phá về giáo dục đào tạo và thứ hai là đột phá bằng thể chế, hành lang pháp lý, để có thể ràng buộc, để có thể loại trừ những cái lạm dụng, những nhũng nhiễu, những lợi dụng để làm sai, thì hy vọng rằng đất nước sẽ phát triển".

Bình luận