Chờ...

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Chú trọng phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(VOH) - Góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ông Mai Nhật Phương, Bí thư Đảng ủy phường 7, quận 10 đóng góp nhiều vấn đề.

Trong đó tập trung về định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới như phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo nghề, đặc biệt là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng:

Đối với góc độ bản thân, với tinh thần là một người đảng viên, là công dân của Việt Nam, qua quá trình tiếp cận văn kiện, thì trong đó về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tôi rất quan tâm và có đề xuất trong nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng, Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế; Đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Trung ương cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp và có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo; hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội và cũng quan tâm tập trung những thành phố lớn cả nước như TPHCM, Đà Nẵng.

Bên cạnh đó với phát triển trí tuệ, cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy, thẩm mỹ con người Việt; đồng thời, sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.

Hiện nay gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì ngành công nghệ rất đa dạng, cũng như sự tiếp cận của thanh niên đối với công nghiệp lần thứ tư rất nhanh. Chính vì vậy vai trò phát động tích cực chăm lo giáo dục thế hệ trẻ; chú trọng các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Về quốc phòng, an ninh, Việt Nam đang chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực hội nhập nhưng cũng phải đề cao cảnh giác, tránh để bị lệ thuộc, nhất là lệ thuộc chính trị; Đẩy mạnh quảng bá đất nước, con người Việt Nam để thế giới ngày càng biết đến, hiểu rõ hơn và thông qua đó, ủng hộ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam trong thời đại mới.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh minh họa. Nguồn: Noichinh.vn

Trong qúa trình tiếp cận văn kiện, bản thân cũng rất tâm đắc trong nhiệm kỳ qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Trung ương được làm quyết liệt. Đây là niềm tin không chỉ bản thân của người đảng viên mà nhân dân cũng rất hài lòng về cách thực hiện của đảng trong thời gian qua là chỉnh đốn Đảng.

Trung ương cần đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghiên cứu quan điểm chỉ đạo công tác này theo hướng “3 không”: Không thể tham nhũng - Không dám tham nhũng - Không cần tham nhũng. Theo đó, cần tập xây dựng hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước chặt chẽ; thực hiện tốt công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Có cơ chế tiền lương và đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức trong giai đoạn của tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đòi hỏi Dự thảo cần tiếp tục bổ sung và phân định rõ hơn yêu cầu và nội dung về nâng cao năng lực và trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước; hoàn thiện văn hóa quản lý và văn hoá doanh nghiệp; Phát triển và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản lý nhà nước, đoàn thể, lãnh đạo các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh hơn yêu cầu bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực nhận diện và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế.

Trong thời gian dự kiến của nhiệm kỳ đại hội cũng đề xuất quan tâm đến nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không chỉ là sự cầu thị của hội nhập quốc tế trong tiếp thu nền kinh tế thị trường như là thành quả văn minh chung của nhân loại mà có thể sự trung thành và phát triển sáng tạo của Chủ nghĩa Mác Lênin và Đảng ta. Bản thân tôi thấy đây cũng là kim chỉ nam để thực hiện được tốt hơn.

Thực tế ghi nhận và đòi hỏi cần tiếp tục củng cố và thống nhất những nhận thức mới, đầy đủ và sâu sắc hơn về mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam; Góp phần bảo đảm kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường. Đặc biệt ứng phó với biến đổi khí hậu, mưa, bão lũ thì cần có giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn và bổ sung thêm trong văn kiện cho nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.

Bình luận