Chờ...

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam

(VOH) - 8 giờ sáng nay 26/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội.

Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước.

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII sáng 26/1. Ảnh TTXVN

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có 17 đồng chí là 16 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Hoàng Trung Hải và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Tới dự phiên khai mạc có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng.

Dự phiên khai mạc còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ.

Các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài tới đưa tin về Đại hội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN

Trong phần nghi thức khai mạc, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, phát biểu chào mừng Đại hội. Thay mặt Đoàn chủ tịch, ông Trần Quốc Vượng chào mừng các khách mời là các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bà mẹ Việt nam Anh hùng và đại diện xuất sắc của các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, thường trực Ban bí thư, phát biểu chào mừng đại hội. Thay mặt Đoàn chủ tịch, ông Trần Quốc Vượng chào mừng các khách mời là các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bà mẹ Việt nam Anh hùng và đại diện xuất sắc của các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam sáng 26/1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam sáng 26-1 - Ảnh: TTO

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước về dự Đại hội.

"Các đồng chí là những đảng viên ưu tú được bầu chọn, tiêu biểu cho trí tuệ, niềm tin, sự thống nhất ý chí, hành động, quyết tâm, khát vọng vươn lên và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

“Cán bộ, đảng viên, nhân dân đang mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục đà phát triển đất nước nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta, không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 mà cho cả những thập niên tới, cho những thế hệ tương lai của đất nước. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đổi mới, hội nhập và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

“Với niềm tin sâu sắc đó, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, tôi xin tuyên bố khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố.

TBT Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban chấp hành Trung ương khóa XII đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII. Ảnh TTXVN.

Sau diễn văn khai mạc Đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban chấp hành Trung ương khóa XII đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, có ý nghĩa quyết định với sự phát triển, hội nhập của đất nước. 

"Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của Đại hội", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Đại hội XIII có nhiệm vụ đánh giá Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Xác định mục tiêu phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, và tầm nhìn đến năm 2045 là kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Về quá trình chuẩn bị các văn kiện Đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng, Bộ Chính trị đã có kế hoạch rất sớm, từ hội nghị lần 8 năm 2018 đã quyết định thành lập các tiểu ban văn kiện, nhân sự. Ban Bí thư cũng thành lập ban biên tập và các tổ giúp việc. 

Trong hơn 2 năm qua, các tiểu ban phối hợp chặt chẽ các cơ quan nghiên cứu từ trung ương, đến địa phương, tổ chức 60 hội thảo và lập 50 đoàn đi nắm tình hình thực tế, gặp gỡ lấy ý kiến các vị lão thành, các chuyên gia, đi nước ngoài để học tập mô hình, kinh nghiệm.

Các báo cáo được nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến xác đáng để đưa vào văn kiện. Các tiểu ban thường xuyên phối hợp để đảm bảo sự thống nhất các văn kiện. 

"Bộ Chính trị họp nhiều lần cho ý kiến để có đề cương trình Ban chấp hành trung ương tại 4 hội nghị, vì thế có những văn kiện sửa đi sửa lại hơn 30 lần trước khi công bố công khai toàn văn các dự thảo văn kiện để lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Hàng triệu ý kiến đã gửi về trung ương…", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

"Có thể khẳng định việc chuẩn bị văn kiện rất công phu, chu đáo, bài bản qua nhiều vòng, nhiều lần, có đổi mới về tư duy, phương pháp, áp dụng cả lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Đại hội xin chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân, với đất nước của các tầng lớp nhân dân".

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt coi trọng. Nhiều vấn đề đặt ra từ những năm trước và nhiệm kỳ này có kết quả tích cực, cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe nên được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tình hình tham nhũng, tha hóa từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.

"Trước tình hình, diễn biến trên thế giới có những phức tạp nhưng ta không để bị động, bất ngờ. An ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Kiên quyết kiên trì bảo vệ lãnh thổ, quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định, hòa bình. Được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thế và lực của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Năm 2020, đại dịch, thiên tai gây nhiều thiệt hại nhưng với nỗ lực vượt bậc, nước ta vẫn có những phát triển vượt bậc, tăng trưởng vẫn dương, là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân trong và ngoài nước, chúng ta đã kiểm soát, ngăn chặn được dịch COVID-19, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng về đạt mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân, vừa phát triển kinh tế.

"Có thể khẳng định, kết quả trong nhiệm kỳ XII có những dấu ấn đặc biệt, tạo được khí thế cho Đảng, nhân dân vượt qua được những khó khăn, thách thức. Có được kết quả đó là có sự đoàn kết, thống nhất cao cuả toàn Đảng, sự đổi mới phù hợp của Quốc hội, HĐND các cấp và tinh thần lao động tích cực, cần cù, sáng tạo của nhân dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

"Những thành tựu đó là sản phẩm của kết tinh sáng tạo, là nỗ lực phấn đấu bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta".

Các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội
Các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN

Sau giờ giải lao, Đại hội đã nghe đoàn Thư ký báo cáo các lời chúc mừng từ 215 điện mừng của các đảng, tổ chức, bạn bè quốc tế gửi đến Đại hội XIII của Đảng ta.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật 5 bài học kinh nghiệm quí báu rút ra:

Một là xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả. Kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Thường xuyên tăng cường củng cố đoàn kết trong Đảng. Xây dựng nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãnh phí, công tác cán bộ phải thực sự là then chốt của then chốt. Phát huy tinh thần gương mẫu của Đảng viên, vị trí càng cao thì gương mẫu càng cao.

Hai là quán triệt quan điểm dân là gốc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy mọi nguồn lực và tính ưu việt của CNXH, phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Bốn là tập trung ưu tiên xây dựng thể chế, đảm bảo giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, văn hóa; giữa tăng trưởng kinh tế và văn hóa phát triển con người; giữa phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh; giữa độc lập tự chủ và hội nhập…

Năm là chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Chủ động hội nhập trên cơ sở tự chủ, độc lập.

"5 bài học này là cơ sở để Đảng ta tiếp tục phát huy, tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới cũng như những nhiệm vụ nặng nề của Đảng ta sắp tới", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian tới:

Thứ nhất, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là nền tảng vững chắc của Đảng.

Thứ hai, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Thứ ba, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Thứ tư, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

 

Bình luận