Chờ...

Những lời căn dặn vô giá trước lúc Bác ra đi

(VOH) - Dịp kỷ niệm ngày sinh của Người, khi sức khỏe còn tốt, Bác đã viết những lời di chúc, những căn dặn vô giá trước lúc Bác đi xa.

Sáng ngày 10/5/1965, nhân kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc mà Người chỉ gọi đây là bức thư, mấy lời để lại... Đến ngày 15/5/1965, bản Di chúc đầu tiên này hoàn thành, dài gần 3 trang, do chính Bác  đánh máy.

Từ đó, cứ mỗi năm gần ngày sinh  của mình, Bác chỉnh sửa bổ sung cho đến lúc ngày 10/5/1969, Bác kết thúc viết Di chúc để lại cho đời sau “ tóm tắt mấy lời” căn dặn trước lúc đi xa.

Suốt 4 năm, Bác đã dồn hết tâm sức, trí tuệ, nghiền ngẫm, viết, chỉnh sửa, bổ sung, chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời. Để lại những căn dặn mà chúng ta thấy lời lẽ vô cùng giản dị, khiêm nhường nhưng lại rất thấu đáo, sâu sắc,định hướng cho con đường cách mạng Việt Nam, vạch ra một kế hoạch để phát triển đất nước sau khi đã hòa bình, thống nhất đất nước. Đó chính là điểu rất ý nghĩa, thiêng liêng cho những thế hệ kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Bác Hồ

Tư tưởng Hồ Chí Minh được phản ánh trong Di chúc, một cách tổng thể bao trùm lên toàn bộ nội dung là những lời căn dặn của Bác về: Đảng và  Dân.

Với Đảng, Bác đã đưa ra những nguyên tắc, những việc mà Đảng cần giữ nghiêm hay tiếp tục thực hiện. Đó là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo của một Đảng cầm quyền. Cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân,

Bác viết : “Suốt đời tôi hết long, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đó là những dòng chữ mà Bác để lại. 

Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. 

Bằng chính tấm gương sáng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và tình đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng. Tấm gương một đời vì sự nghiệp cách mạng của Bác chính bài học sâu sắc nhất cho cán bộ đảng viên, thế hệ kế thừa noi theo.

Đối với dân, Người yêu cầu phải chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân, nhất là thực hiện chính sách “đền ơn, đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi.

Tư tưởng nổi bật trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng trọng dân, thân dân, phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Người yêu cầu Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Có hiểu dân, hành động vì dân thì dân mới tin theo cho nên phải lấy sức mạnh từ trong lòng dân. Đấy chính là thành trì vững chắc của cách mạng.

Di chúc cô đọng và sâu sắc những tư tưởng đổi mới của Bác trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, có tầm chiến lược, là những chỉ dẫn quan trọng của Đảng trong hoạch định đường lối, nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm đưa đất nước phát triển bền vững, nhất là trong sự nghiệp xây dựng phát triển sau khi thống nhất đất nước.

di chúc bác

Di chúc Bác viết như một kế hoạch, một chương trình hành động về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về công tác quản lý xã hội: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Những lời căn dặn đó đến nay có những việc chúng ta đã làm được, có việc làm được một phần, có việc cần cố gắng tập trung làm tốt hơn. Thực hiện di chúc của Bác chính là tiếp tục con đường cách mạng Việt Nam.

Dù Người viết rằng: “để lại mấy lời” và “chỉ nói tóm tắt vài việc thôi” nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một áng văn lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả.

Đã 50 năm từ ngày Bác để lại di chú, những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn mãi in đậm trong trái tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam, vẫn còn giá trị thực tiễn trong công cuộc đổi mới xây dựng phát triển đất nước hiện nay.

Bình luận