Chờ...

Ông Võ Văn Thưởng: Phát triển văn hóa con người luôn đòi hỏi phải xây và chống

(VOH) - Văn hóa soi đường quốc dân đi. Đảng và Nhà nước luôn xem trọng phát triển văn hóa, con người.

Ngày 20/4, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị Kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện NQ 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đến dự có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, ông Trần Lưu Quang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đối mới, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, về trách nhiệm xây dựng và phát triển bền vững đất nước của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố được nâng lên. Thể hiện rõ trong nhận thức và trong hành động, xây dựng con người được xem là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược và quyết định trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị hợp với vai trò, vị trí của đô thị đặc biệt. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa cơ sở được cải thiện và nâng cao. 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu ra những vấn đề như việc quan tâm, đầu tư sát sao lĩnh vực văn hóa của thành phố hay vấn đề văn hóa, tôn giáo, tăng cường giáo dục pháp trị bên cạnh nâng cao đạo đức cho người dân cần được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài môi trường văn hóa cần được quan tâm xây dựng, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch nêu ý kiến: "Trong quyết định 1755 của Thủ tướng chính phủ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa phải đạt 3%, đến năm 2030 phải đạt 7% GDP. Chỉ tiêu này cũng rất cao. Nếu chúng ta có đầu tư bài bản, xác định nhiệm vụ mục tiêu cụ thể thì triển khai thực hiện, tạo ra sự đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố cũng như đóng góp chung cho nền phát triển văn hóa xã hội của cả nước".

Ông Võ Văn Thưởng

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PLO

Dù trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế như công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa trong nhân dân chưa thường xuyên, toàn diện; tác động của quá trình toàn cầu hòa, hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường dẫn đến nhiều hiệu quả tiêu cực. Hay những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa ngang tầm với vị trí, vai trò, khả năng, yêu cầu phát triển thành phố… nhưng thành phố cũng đã rất quyết tâm và có những giải pháp khắc phục để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thực hiện theo Nghị quyết 33, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã triển khai quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật đạt giải, có chất lượng tốt đến cho người dân. Thành phố cũng đã triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ tốt cho bà con sống các huyện ngoại thành, thực hiện hàng tháng các chương trình nghệ thuật, chiếu phim lưu động về đề tài cách mạng, xây dựng đất nước.

Về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2018, đã đem 90 suất diễn nghệ thuật thu hút trên 50 ngàn lượt người xem. Trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, thành phố cũng đã có những giải pháp trước mắt như mời chuyên gia văn hóa tham mưu xây dựng nền công nghiệp văn hóa vững mạnh.

"Mục tiêu nội dung đề ra là khẳng định thương hiệu nền công nghiệp văn hóa TPHCM trên trường quốc tế nhằm thúc đẩy chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp và xã hội để phát triển nền công nghiệp văn hóa. Xây dựng thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa để thúc đẩy các nhóm ngành văn hóa có hiệu quả", ông Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết thêm.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao đời sống văn hóa khu phố. Như mô hình khu lưu trú công nhân của đoàn thanh niên, mô hình chi hội nữ chủ nhà trọ nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, tạo sự tự tin, đoàn kết của các chị em phụ nữ. Ông Nguyễn Thành Trung – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho hay mặt trận có mô hình là khu nhà trọ không có tội phạm. Phát động triển khai nội dung hoạt động đưa ra các tiêu chí, các qui định có liên quan đến pháp luật mà chủ nhà trọ tuyên truyền cho các công nhân. Trong đó bảo đảm thực hiện về giờ giấc đăng ký, chấp hành pháp luật. Kết hợp tuyên truyền những qui định có liên quan, các dịp lễ tết thì chăm lo.

Xác định công tác xây là nền tảng bên cạnh việc kiên quyết xử lí các hoạt động tiêu cực. sai trái trong lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra còn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy nội lực trong nhân dân, tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, phát triển đất nước.

Ông Phạm Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết về mặt nhận thức, trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, thì đã đưa vào chữ nhân ái, nghĩa tình, xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt. Chất lượng sống tốt không có nghĩa chỉ là về mặt kinh tế mà còn là môi trường văn hóa để lan tỏa điều đó. Trước áp lực dân số cứ 5 năm thì thêm 1 triệu, thì mỗi năm thành phố xây dựng thêm mỗi năm 13 trường học mới. Tính ra là gần 1.000 trường học.

Với những ý kiến, góp ý khi nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của chính phủ thì đó là nguồn tư liệu quan trọng, quí giá để sắp tới đây thành phố có những điều chỉnh thích hợp trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn thành phố. Ông Trần Lưu Quang – Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: "Văn hóa con người là gốc của mọi việc. TPHCM ý thức được vai trò của mình. Ngoài khám chữa bệnh thì người dân bình thường có lẽ quan tâm đến việc hưởng thụ văn hóa. Ý nói vai trò văn hóa mà thành phố gánh vác không hề nhỏ".

Văn hóa soi đường quốc dân đi. Đảng và Nhà nước luôn xem trọng phát triển văn hóa, con người. Thành phố đẩy mạnh văn hóa nghệ thuật trên mọi lĩnh vực, đổi mới công tác quản lí nhà nước về văn hóa theo hướng đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội, nhu cầu hưởng thụ của người dân. Tiếp tục bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Để làm được điều đó thì đầu tư cho văn hóa cần tương xứng hơn, nhà hát bảo tàng, các thiết chế văn hóa cần được xây dựng và vận hành tốt. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương đề nghị: "Phát triển văn hóa con người luôn đòi hỏi phải xây và chống. Trong đó, xây là cơ bản nhưng chống phải quyết liệt. Thói quen đạo đức chỉ được hình thành trên cơ sở cưỡng chế của pháp luật và cổ vũ, phê phán của xã hội. Pháp quyền là "bà đỡ" cho đạo đức. Ta không xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật, những vi phạm kỷ luật kỷ cương của Đảng thì tình trạng đạo đức xã hội còn bức xúc, báo động sẽ còn dài, và còn lâu mới đạt được đạo đức xã hội mà chúng ta mong muốn xây dựng".

Bình luận