Chờ...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI: Khuyến khích đổi mới vì sự phát triển

(VOH) - Với một thành phố năng động, sáng tạo, Kết luận số 14 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khuyến khích tinh thần đổi mới, tiên phong của TPHCM.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đồng thời Kết luận số 14 sẽ giải tỏa được những tâm lý còn e ngại, không dám đổi mới vì sợ khuyết điểm, vi phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM thực hiện tọa đàm chủ đề “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đưa thành phố vượt qua khó khăn, vươn tới tầm cao mới”. Đây là kỳ cuối của tọa đàm này.

Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời:
Bà Phạm Phương Thảo - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố;
- Bà Hoàng Thị Tố Nga- Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 1; 
- Tiến sĩ Lê Tùng Lâm - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Sài Gòn.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI: Khuyến khích đổi mới, sáng tạo vì sự phát tri 1
Tiến sĩ Lê Tùng Lâm và bà Phạm Phương Thảo và MC Ngọc Bích tại buổi tọa đàm

*VOH: Theo bà Phạm Phương Thảo, Kết luận 14 có ý nghĩa như thế nào về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và với Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng?

Bà Phạm Phương Thảo: Trước đây, một số cán bộ, công chức, viên chức bị rủi ro khi thi hành công vụ, điều này cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của một số cán bộ, công chức, viên chức. Đó là điều có thật.

Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là chủ trương kịp thời, hết sức đúng đắn. Không chỉ khuyến khích bảo vệ cán bộ mà còn khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến nhiều hơn, giải quyết những điểm nghẽn, tập trung xử lý những vấn đề chưa được quy định hoặc là không phù hợp thực tiễn. 

Kết luận 14 của Bộ Chính trị cũng nói rõ, những đề xuất đổi mới sáng tạo được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị mình công tác, được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc cho làm thí điểm, bảo đảm việc đó không trái với Hiến pháp, không trái với Điều lệ Đảng, và được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để cán bộ triển khai thực hiện.

Khi triển khai thực hiện mà có gặp rủi ro, phải xác định được nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nếu không vì động cơ vụ lợi thì có thể miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Ngược lại, nếu lợi dụng chủ trương để làm trái thì xử lý nghiêm. 

Đây là chìa khóa để chắp cánh cho đổi mới sáng tạo. Với Kết luận 14, nếu chúng ta triển khai thực hiện cụ thể thì sẽ có tác dụng thúc đẩy cho phong trào.

Quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng khắc phục những xung đột pháp lý, để tạo sự yên tâm. Vấn đề này cần được cụ thể hóa từ các cấp ủy, của các địa phương. tạo niềm tin đối với cán bộ, công chức, viên chức.

*VOH: Xin được hỏi thêm ý kiến từ Tiến sĩ Lê Tùng Lâm ?

Tiến sĩ Lê Tùng Lâm: Khuyến khích sáng tạo, nhưng nếu có sai phạm thì đánh giá thế nào, xem xét thế nào, "có vì lợi ích chung hay không" thì tiêu chuẩn để đánh giá, để kết luận cũng rất khó. Đặc biệt khi xử lý sai phạm lại phải dựa trên quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh hiện nay chúng ta rất cần sự thay đổi lớn về tư duy trong nhận thức, hành động. Vậy, vấn đề là làm cách nào để bảo vệ được những cán bộ năng động sáng tạo ?.

Việc bảo vệ và khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chung tay tạo ra một cơ chế phù hợp nhất để bảo vệ lực lượng sáng tạo, trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

*VOH: Về phía bà Hoàng Thị Tố Nga, Kết luận 14 sẽ có ý nghĩa như thế nào với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và với Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ?

Bà Hoàng Thị Tố Nga: Kết luận 14 của Bộ Chính trị ra đời hết sức phù hợp, được cán bộ, đảng viên và người dân đánh giá rất cao. Bản thân tôi thấy rất mừng vui, vì chính có Kết luận này giúp cho anh em tự tin hơn trong đề xuất ra những giải pháp, những sáng kiến để góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị cũng như quận 1 và thành phố nói chung.

Giai đoạn khởi đầu của nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua là chặng đường khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên nhờ bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Thành ủy TPHCM đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân Thành phố từng bước khắc phục khó khăn, khống chế hiệu quả dịch bệnh, đưa Thành phố phục hồi và phát triển trở lại một cách ấn tượng trên phần lớn các lĩnh vực. Đây là tiền đề quan trọng để TPHCM bước vào năm 2023 với tinh thần phấn chấn, khí thế mới, tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 với 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cùng 9 nhóm giải pháp trọng tâm đã được đề ra.
Bình luận