Chờ...

Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư một cách thích ứng, linh hoạt, hiệu quả

(VOH) - TPHCM chọn chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” nhằm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020 -2025.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại giữ vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đây là một mục tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.

Năm đầu tiên của Nhiệm kỳ XI đã được đặt chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Đại hội Đảng bộ lần thứ 11
Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau Đại hội Đảng bộ XI, việc khởi động bộ máy triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đặt ra những nền tảng cơ bản cho những năm tiếp theo là rất quan trọng.

Ngay sau Đại hội, TP triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM và bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện 51 chương trình, đề án, xác định cụ thể thứ tự ưu tiên thực hiện nhằm phát huy hiệu quả của các chương trình, đề án.

Trong đó, để xây dựng được chính quyền đô thị và “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” có một nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh đảm bảo ý nghĩa thiết thực với phương thức phục vụ của chính quyền.

Để thực hiện chính quyền đô thị thì yêu cầu đặt ra là cần có mô hình phù hợp. Các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TPHCM phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác, đồng bộ nhất. 

Xây dựng chính quyền đô thị mới có thể giúp TPHCM huy động và giải phóng mọi nguồn lực, tạo cơ hội cho sự phát triển, giúp TPHCM giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, đặc biệt là phát huy vai trò, vị trí của TPHCM đối với vùng trọng điểm và cả nước.

TP đã có Đề án Điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 23% giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng ủng hộ đề án này. Nếu được giữ lại 23% ngân sách trong năm đầu tiên, TPHCM có thêm khoảng 12.000 tỷ đồng, dồn sức cho phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm. Điều này sẽ thu hút và gia tăng mức độ đầu tư cả các dự án trong và ngoài nước.

Muốn xây dựng chính quyền đô thị thì phải xây dựng và phát triển hệ thống chính quyền điện tử, chính quyền số.. là điều tất yếu. Trong đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong hệ thống chính quyền đô thị từ TP đến cấp cơ sở xã, ấp, khu phố.

Điều cần làm mở đầu trong năm xây dựng chính quyền đô thị là phải thực hiện cải cách quyết liệt thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính với nhau, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT).

Đặc biệt trong năm nay, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã thúc đẩy việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý của các sở ngành. Các ứng dụng công nghệ ra đời, đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý của chính quyền đô thị. Đây là một đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, kéo theo là thúc đẩy các dự án đầu tư trong và ngoài nước tăng trưởng.

TPHCM  xây dựng chính quyền đô thị
TPHCM chọn chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Ngoài ra, để gia tăng các dự án đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài cần bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các thiết bị phương tiện khác nhau. Đây cũng là yêu cầu cho một chính quyền đô thị đặc biệt như TPHCM.

Đễ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, vấn đề hiện nay là cần tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, lĩnh vực sau một khoảng thời gian phải ngưng lại vì giãn cách xã hội. Cần huy động hiệu quả mọi nguồn lực, thu hút đầu tư đòi hỏi yêu cầu không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh.

Qua công tác phòng chống dịch đã cho thấy những bất cập trong điều hành, quản lý đa ngành nên việc cần thiết là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hệ thống chính quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Mới đây nhất, trong cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần "3 không và 5 thật".

3 không là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

5 thật là: "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật".

Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.

Cả hệ thống chính trị cần nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cùng các sản phẩm chủ lực của TP; Thực hiện tinh thần "3 không và 5 thật" của Thủ tướng đưa ra, phải làm sao để có hiệu quả thực sự mà người dân và doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng thành quả thật.

Trước mắt, việc thực hiện mục tiêu kép đó chính là công tác hỗ trợ các doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Việc cần thiết là các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tái sản xuất, kinh doanh, hòa nhập trở lại hoạt động bình thường…Có vậy, mới thu hút được các dự án, mời gọi các hoạt động đầu tư thực hiện chương trình “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” với một tâm thế thích ứng, linh hoạt, kiểm soát và hiệu quả.

Bình luận