Chờ...

Báo Mỹ nhận định xe điện BYD gặp vấn đề về chất lượng khi xuất khẩu

VOH - Theo bài viết mới đây trên báo Wall Street Journal (Mỹ), xe ô tô điện BYD xuất đi từ Trung Quốc khi cập cảng nơi nhận hàng thường phải sửa chữa trước khi đến tay khách hàng.

Bài báo cho biết, những chiếc xe khi cập bến giao hàng cho Nhật Bản bị trầy xước, trong khi lô hàng xuất đến thị trường châu Âu thì bị nấm mốc.

Nấm mốc không phải hiện tượng hiếm gặp trên ô tô, đặc biệt khi xe nằm một chỗ trong thời gian dài trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. Nhưng vấn đề với BYD là họ đã không có biện pháp xử lý thích hợp để loại bỏ nấm mốc.

Cùng với đó, ở thị trường Thái Lan - nơi xe điện Trung Quốc đang chiếm ưu thế - các vấn đề về chất lượng của xe BYD dường như đang gia tăng. Những phàn nàn về tình trạng bong tróc sơn, chi tiết nhựa bị xuống cấp trở nên phổ biến. Còn ở Israel, xe điện BYD có dấu hiệu bị cong vênh....

Chỉ riêng ở châu Âu đã có khoảng 10.000 xe BYD còn nằm trong các kho hàng, dù dự định được bán ra từ cuối năm ngoái. Lượng lớn xe nằm cảng không chỉ khiến xe nhanh chóng hết hấp dẫn với người tiêu dùng, mà còn liên quan đến thời hạn cấp phép. Nếu không thể nhanh chóng thông quan, những chiếc xe này sẽ không thể bày bán nữa.

Báo Mỹ nhận định xe điện BYD gặp vấn đề về chất lượng. 1
Thương hiệu xe điện BYD (Trung Quốc) đang gặp vấn đề về chất lượng khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế - Ảnh: WSJ

Những vấn đề được nêu ra có nguyên nhân liên quan đến hậu cần nhiều hơn là lỗi sản xuất. Theo trả lời của một lãnh đạo hãng xe BYD với Wall Street Journal: vấn đề này giống như "vào một nhà hàng tử tế song phát hiện ra đĩa bị mẻ".

Kiểm soát chất lượng trong quá trình vận chuyển có thể là thách thức lớn với BYD. Nhưng còn quá sớm để đánh giá đây là sơ suất hay BYD thực sự đang để lỗ hổng nghiêm trọng khi quá cố gắng trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Nhưng The Wall Street Journal nhận định rằng, với việc xe bị găm hàng lâu như vậy, mục tiêu bán 400.000 xe trên thị trường quốc tế trong năm 2024 của BYD khó mà đạt được. Điều này khiến một số lãnh đạo và nhà đầu tư BYD tỏ ra quan ngại. Các giám đốc châu Âu đánh giá kế hoạch của BYD là quá tham vọng.

Theo kế hoạch, BYD muốn tăng gấp 3 thị phần ở châu Âu vào năm 2025, từ mức 1,1% vào năm 2023. Chưa kể hàng loạt gói đầu tư khổng lồ vào các nước, cả đã chốt (Thái Lan) hay còn nằm trong khảo sát như Việt Nam. Việt Nam là thị trường tiếp theo mà BYD nhắm đến.

Có thông tin nói rằng chủ tịch BYD Wang Chuanfu không hài lòng về sự phản đối trên. Do đó, ông dự định đưa các lãnh đạo người Trung Quốc lên thay thế. 

BYD là hãng sản xuất ô tô được Warren Buffett hậu thuẫn, trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới vào năm 2023, soán ngôi cả thương hiệu Tesla danh tiếng.

Đây cũng là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường, sau Tesla và Toyota.
Bình luận