Những con đường lây lan vi khuẩn “ăn thịt người” và cách phòng tránh

VOH - Vi khuẩn “ăn thịt người” rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, chính sự đa dạng ở nguồn lây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên Trường Đại học Dược TPHCM, vì các loại vi khuẩn “ăn thịt người” phần lớn tồn tại trong môi trường sống, ví dụ như trong không khí, trong đất hoặc nguồn nước… Cho nên, với những người có vết thương hở hoặc vết trầy xước cùng với đó là có hệ miễn dịch kém nếu tiếp xúc với nguồn lây sẽ ngay lập tức bị nhiễm khuẩn tại chỗ. Đó là lý do vì sao phần lớn người nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” đều bị nhiễm bệnh ở vùng da là chủ yếu.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng có rất nhiều loại vi khuẩn “ăn thịt người” chẳng hạn như: vi khuẩn liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương, tụ cầu vàng,... là những loại vi khuẩn có thể lây lan qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và gây ra những tổn thương ngoài da.

Vi khuẩn ăn thịt người dưới kính hiển vi
Vi khuẩn ăn thịt người dưới kính hiển vi - Ảnh minh họa: Internet

Do đó, để phòng tránh lây lan vi khuẩn “ăn thịt người” thì chúng ta cần giữ vệ sinh cá nhân tốt bằng cách:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn.
  • Với người làm công việc đồng áng, chăm sóc cây cảnh nên mang găng tay, ủng chân để bảo vệ da, đặc biệt là những vùng da đang bị tổn thương.
  • Trong ăn uống cần lưu ý ăn chín, uống chín và đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Trong sinh hoạt hàng ngày cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nguồn nước bẩn hoặc những vùng ô nhiễm.
  • Người đang làm việc, đặc biệt trong các môi trường có nguy cơ cao cần sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động.
  • Nếu cơ thể đang có những vết thương hở, vết bỏng, vết trầy xước thì cần được chăm sóc kỹ lưỡng, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
  • Đến những nơi đông người cần đeo khẩu trang, về nhà nên súc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý để tránh bị lây nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” qua đường hô hấp. Trường hợp có tiếp xúc với người bệnh thì cần vệ sinh tay sạch sẽ để tránh nhiễm bệnh.
  • Người có bệnh lý nền, ví dụ như bệnh tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận hoặc người đang bị suy giảm miễn dịch thì cần được theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Nếu trên cơ thể xảy ra bất kỳ một tổn thương nào thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám.

Như vậy, vi khuẩn “ăn thịt người” có thể lây truyền qua rất nhiều con đường khác nhau. Do đó, mỗi người cần chủ động hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây bệnh cũng như chăm sóc, bảo vệ bản thân trước sự lây lan, lây truyền của vi khuẩn “ăn thịt người”.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Sơn

Nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

voh-vi-khuan-an-thit-nguoi

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.

Bình luận