Chờ...

Cần thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”

VOH - Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh điều này khi thảo luận về KT-XH trên hội trường Quốc hội chiều ngày 31/5.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh bày tỏ tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu cho rằng, về vĩ mô, GDP quý 1/2023 là 3,32%, với mức thấp như vậy để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm, cần phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao thì mới đạt được mục tiêu (mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%).

Trong thời gian tới, đại biểu An cho rằng, cần phải có quyết tâm thật cao, tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời. Đặc biệt, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.

Cần thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy” 1
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Trịnh Xuân An cần phải có những giải pháp cấp bách, vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp...Bởi hệ thống doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển nhưng hiện nay, hệ thống doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn.

Bốn nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải: Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu phân tích, cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “ doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”.

Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.

Đại biểu chỉ rõ, những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất xa trời”.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao giải trình lên xuống. Bên cạnh đó cần có các giải pháp thực chất, cụ thể để ngăn chặn “virus sợ trách nhiệm và bệnh không dám làm”.

Bình luận