Chuyện những Nữ biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong Mậu Thân 1968

(VOH) - Sáng 26/01, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức giao lưu với những “Nữ biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong Mậu Thân 1968”.

 Với tinh hoa và đặc thù chiến đấu trong lòng địch họ đã góp phần làm nên 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng – Mưu trí vô song – Dũng cảm tuyệt vời – Trung kiên bất khuất”.

50 năm sau, chúng tôi gặp lại họ, những con người anh hùng năm xưa giờ người còn người mất, nhưng họ vẫn nhớ như in thời kỳ anh hùng của lực lượng mình. 

Tại buổi giao lưu chúng tôi gặp Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai. Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Đại Lộc - Quảng Nam, từ nhỏ cô Mai đã làm giao liên cho huyện đội. Năm 1964, khi 21 tuổi, ngưỡng mộ "tiếng tăm" Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cô đã xin mẹ vào Sài Gòn gia nhập đội biệt động 90C chiến đấu, lãnh nhiệm vụ liên lạc vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn. Cô bị bắt khi đang chuyển nhiều tài liệu mật và 30 kíp nổ và bị tra tấn man rợ.

"Trận đánh Mậu Thân là đơn vị tôi đánh vào Chí Hòa. Tôi là tổ trưởng tổ trinh sát điều động trận đánh đó. Và Tôi bị bắt đưa vào bốt Hòn keo. Nó tra tấn dữ dội lắm. Hết điện nước rồi lại treo ngược hai chân lên rồi hai thằng lấy bao cát đánh. Tôi giãy một hồi thì rớt xuống sụp xương sọ", bà Mai kể.

Tham gia chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm đó còn có bà Lại Thị Kim Túy. Lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Đức Hòa - Long An, năm 15 tuổi, bà Lại Thị Kim Túy đã tham gia cách mạng, thường xuyên cùng nhân dân tham gia đấu tranh trực diện với địch thông qua các cuộc giễu hành, biểu tình lên án tội ác của giặc.

Đầu năm 1967, bà Kim Túy tham gia vào tổng động viên với nhiệm vụ xây dựng cơ sở Phân khu 2 thuộc Biệt động vùng 3 cánh Tây Nam, hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đêm 30 Tết, bà Kim Túy cùng 43 chiến sĩ trong đơn vị tham gia đánh vào Phú Thọ Hòa. Trong trận này, đơn vị của bà Kim Túy đã bắn cháy 3 xe bọc thép và bắn rơi 1 trực thăng địch.

Ngày 13 tháng Giêng năm 1968, địch tổ chức phản công với số lượng đông gấp bội cùng sự yểm trợ của pháo binh, không quân, thiết giáp, khiến 38 đồng đội của bà hy sinh.

Sau nhiều lần phá vây không thành, bà cùng 5 đồng đội được người dân địa phương che chở dẫn ra ngoài, vượt qua chốt kiểm soát của địch để trở về căn cứ.

Bà Kim Túy xúc động kể lại, lúc đó chỉ huy ra lệnh phá đường máu để ra rất nhiều lần nhưng không thành. Trong thời gian chiến đấu ở đó 6 tiếng đồng hồ. Đạn dược hết, anh em hy sinh nhiều. Chúng tôi có 44 đồng chí và hy sinh tại đó 38 đồng chí.

Bà Lại Thị Kim Túy – Chiến sỹ Biệt động Vùng 3, cánh tây Nam Phân Khu 2.

Còn bà Đoàn Thị Nhỏ, là giao liên trinh sát hoạt động trong nội thành, lộ trình lần này của bà là đưa 11 chiến sỹ cách mạng từ Tây Ninh vào nội thành tấn công vào 9 cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy ngay trong Tết Mậu Thân 1968.

Từ sáng sớm mùng 1 Tết, bà mang theo con trai Nguyễn An Tây, khi đó mới 2 tuổi, bí mật đón các chiến sĩ biệt động ở Trảng Bàng Tây Ninh, thuê hẳn một chiếc xe lam chạy thẳng về Sài Gòn. Bà gửi con cho một cơ sở cách mạng ở gần Đại học Quốc gia hành chính ngụy (nay là đường 3 Tháng 2) rồi đưa quân tập kết ở nhà ông Mười Lợi ở chùa Tập Thành, quận Bình Thạnh ngày nay. Nhưng rồi trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân thất bại. 

"Trận đánh nổ ran khắp TP trong đêm, tới sáng thì dịch phản công gồm xe tăng, bộ binh rồi cảnh sát cơ động đáp trả. Tôi lúc đó chạy về số 22 đường 3/2 cùng nhân dân theo dõi trận đánh của mình rồi tìm cách bắt liên lạc với ban chỉ huy. Khi ra cũng hết sức gay go. Nói chung bưng biền rồi Tân Bửu, Tân Kiên, Tân Nhật địch cũng phản kích, bắn ác liệt", bà Đoàn Thị Nhỏ kể.

Nói về chiến công và vai trò của những nữ biệt động Sài Gòn, ông Phan Văn Hôm – Chuẩn úy Trung Đội biệt động Sài Gòn cảm động nói: "Chị em vừa trung kiên, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm. Bất luận ở tuổi già hay trẻ. Họ chuyển vũ khí cho biệt động Sài Gon tấn công Mậu Thân 1968. Trong quá trình vận chuyển từ năm 1965 đến 1968 chứ không phải một ngày mà thành. Nếu bị bắt tù đày, tra tấn chị em chịu đựng. Cho nên bây giờ tôi thành thật biết ơn những con người quả cảm như thế".

Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ xúc động cho biết tham gia vào lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại đánh giặc cứu nước không thể không nhắc đến những nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định, đội quân tinh nhuệ, kiên gan. "Khi tham gia các cô còn rất trẻ mới vừa 18 đôi mươi nhưng với tính thần yêu nước và với tính táo bạo của mình, các cô đã len lỏi vào trong lòng địch để trực tiếp tham gia đánh và theo dõi vào tận Bộ tổng tham mưu Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay) và làm nên kỳ tích. Chọn trọng điểm phối hợp với các cơ sở nội đô cũng như các lực lượng vũ trang bên ngoài để đánh vào làm rung chuyển Chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ", bà Thắm nói.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 là một điểm son biểu dương tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và Nam bộ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có sự hy sinh, đóng góp to lớn của phụ nữ./.

Bình luận