Chờ...

Doanh nghiệp điêu đứng vì dịch, vay vốn phải đáp ứng điều kiện 3 năm lãi ròng

(VOH) - Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Thảo luận tại phiên họp, chiều 27/10, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, trước Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đề nghị các cơ quan liên quan kịp thời hướng dẫn triển khai Nghị định đảm bảo tính khả thi.

Doanh nghiệp điêu đứng vì dịch, vay vốn phải đáp ứng điều kiện 3 năm lãi ròng 1
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, tới nay đã gần bốn tháng triển khai, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.500 tỷ với gần 600 khách hàng. Đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra của Nghị quyết. 

Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay như phải có lãi ròng ba năm liên tiếp (khi đã hai năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19); Với tiêu chí xét duyệt các gói hỗ trợ chủ yếu lại tập trung vào các doanh nghiệp lớn, tài chính tốt, có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính; Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp. Trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay; Khách hàng e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này bởi sau này sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán. 

Các ngân hàng ngần ngại khi một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây còn chưa được quyết toán, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất này sẽ gây nhiều hệ lụy.

Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai nghị quyết trên. Cụ thể, huy động các tổ chức tài chính vi mô vào cuộc trong việc hỗ trợ lãi suất để linh hoạt hơn trong việc xét hồ sơ cho vay, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh. Mở rộng đối tượng cho vay đa lĩnh vực hơn bởi có những doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực nên khi xét duyệt không đủ điều kiện. Bên cạnh đó hỗ trợ lãi suất các đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có thể cho vay đối với các nhóm doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt để dòng tiền không đi vào khu vực phi sản xuất kinh doanh để giải quyết được cơn khát vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.

Sáng nay 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết hôm nay, có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận, 3 Bộ trưởng đã tham gia trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong phiên họp ngày mai, các đại biểu Quốc hội phát biểu thêm về các vấn đề còn ít ý kiến tham gia.

Các Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chuẩn bị phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu.

Bình luận