Chờ...

Đại biểu QH tiếp tục kiến nghị tăng lương cơ sở ngay từ 01/01/2023

(VOH) - Cho rằng, tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý, Đại biểu Nguyễn Huy Thái kiến nghị thực hiện việc tăng lương sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch, tức tăng lương cơ sở ngay từ ngày 01/01/2023.

Phát biểu tại phiên họp sáng 27/10, đại biểu quốc hội Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đánh giá, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ. Việc điều chỉnh tăng mức lên cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay..., đại biểu Nguyễn Huy Thái kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, thay vì thực hiện từ 01/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 01/01/2023. 

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý, kiến nghị thực hiện từ 01/01/2023

Đại biểu Nguyễn Huy Thái khẳng định, mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường.

Tuy nhiên, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

Xem thêm: Xử lý tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, quan trọng vẫn là điều chỉnh lương?

Khi thị trường kinh tế lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh phải giữ chân những người tài những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống cán bộ công chức viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.

Đại biểu Thái Thu Xương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định, đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động.

Từ thực tế trên, từ ý chí, nguyện vọng cử tri và cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị, Quốc hội nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, cùng với đó là cần kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 14 trên tổng số 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% và cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục (gần 40.000 người thôi việc, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021).

Theo một số đại biểu, cán bộ, công viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư trong một thời gian ngắn với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay là điều bất thường. Nguyên nhân là lương, chế độ chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ, trợ cấp đối với lực lượng y tế, giáo dục còn thấp, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống khiến họ không yên tâm công tác. Sự tự chủ của các bệnh viện, cơ sở y tế công, cơ sở y tế tuyến dưới gặp nhiều khó khăn. Do đó, một số đại biểu đề nghị có chính sách, cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho ngành y, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và thu hút nhân tài làm việc cho khu vực công.

Bình luận