Chờ...

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

(VOH) - Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo các đại biểu, Luật Biên phòng Việt Nam góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đoàn TPHCM phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, phạm vi dự thảo Luật đã thể hiện được 3 chính sách lớn là xác định rõ nhiệm vụ biên phòng, luật hóa quy định về hình thức quản lý và bảo vệ biên giới của Bộ đội biên phòng, chuẩn hóa quy định về nhiệm vụ quyền hạn của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Các đại biểu nhấn mạnh việc ban hành Luật cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý xuyên suốt và đồng bộ trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng; xác định rõ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong khu vực biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng biên phòng.

Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Tiền Giang đề nghị: "Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 152017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ về quản lý nhà nước về các lĩnh vực ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, phát triển nông thôn. Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ vai trò của bộ này trong công tác biên phòng ở những khu vực này trong dự án luật quan trọng này".

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về sự chồng chéo, nhất là chức năng kiểm soát hành chính ở khu vực biên giới, chưa xác định rõ nhiệm vụ của hải quan, lực lượng cảnh sát biển, hải quân… Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, đoàn Hải Phòng, điểm khó nhất và quan trọng nhất là phải xác định được cơ chế phối hợp làm sao để tránh mâu thuẫn chồng chéo hoặc đôi khi bỏ trống nhiệm vụ đảm bảo tính đồng bộ và nhịp nhàng giữa các lực lượng với nhau: "Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một điều về quan hệ phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ, biên phòng với các lực lượng thực thi nhiệm vụ khác trên cùng một địa bàn khu vực biên giới cửa khẩu, bổ sung nội dung quy định về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ, biên phòng với nhau giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ, biên phòng và các lực lượng thực thi nhiệm vụ khác theo luật định trên cùng một địa bàn có thể bổ sung cụ thể hóa nội dung này vào phần quy định về nguyên tắc phối hợp hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết".

Tranh luận với đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, về việc nên đưa nội dung “chủ thể nhân dân làm chủ trong dự án luật ra khỏi dự án”, đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đoàn TPHCM không đồng ý với đề xuất này. Bởi theo đại biểu, trong mục đích xây dựng dự án luật có nêu quan điểm chủ đạo, đó là xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng làm chuyên trách: “Đề nghị Ban soạn thảo sẽ được thiết kế và cụ thể hóa trong rất nhiều điều khoản trong dự án luật. Tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ quan điểm này trong dự thảo điều luật điều khoản của luật để thực thi nhiệm vụ quốc phòng biên giới. Bởi vì cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân thì có một thế trận vô cùng đặc biệt quan trọng - đó là thế trận lòng dân. Nhiệm vụ biên phòng ở biên giới quốc gia, khu vực biên giới quốc gia phải phát huy nguồn lực có giá trị mạnh mẽ về hữu hình lẫn vô hình là niềm tin và lòng dân của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Quốc hội biểu quyết thông qua một số Luật - Với tỷ lệ 91,51% các đại biểu tán thành Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Bình luận