Chờ...

Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025

(VOH) - Với 94,41% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025.

Chiều 10/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình, ý kiến đại biểu Quốc hội.

Với 94,41% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Tính đến nay đã là 17 năm Việt Nam thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, chính sách này là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ chính cho nền kinh tế của nước ta vào những lúc khó khăn nhất. Để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm. Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện được xem là giải pháp thiết thực nhất.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Có 456/460 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 94,41%). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết. Ảnh: Quochoi

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Trong đó có quy định bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Vấn đề này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các đại biểu cho rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế, phù hợp với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; đồng thời, đáp ứng được tỷ lệ bảo đảm an toàn của Agribank nói riêng và an toàn hệ thống tài chính quốc gia nói chung.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu phân tích: "Tăng vốn điều lệ cho Agribank ngoài việc tăng năng lực tài chính thì sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh tăng việc xếp hạng tín nhiệm trong khu vực và thế giới…".

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM, tăng vốn điều lệ cho ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”. Tuy nhiên đại biểu đề nghị lãnh đạo Agribank trong thời gian tới dành nhiều hơn nữa sự quan tâm cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

"Khi phát triển thêm chi nhánh nên ưu tiên phát triển ở nông thôn. Bản chất là nông nghiệp nông thôn ở vùng sâu vùng xa nên tăng cường thêm hoạt động của ngân hang lưu động. Tín dụng tiêu dung đối với hộ nông dân thời gian qua có dành 7.000 tỷ nhưng thời gian tới nên mở rộng hơn để đẩy lùi cho vay nặng lãi tín dụng đen", đại biểu Trần Hoàng Ngân cho ý kiến. 

Còn đại biểu Vũ Lưu Mai, đoàn Hà Nội cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch cụ thể thì cần khẳng định rõ hiện mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cho 1 ngân hàng thương mại cụ thể chứ không phải việc thay đổi một chính sách là sử dụng ngân sách bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước. Liên quan đến định hướng trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết đánh giá toàn diện quy định không cho phép sử ngân sách Nhà nước để tăng vốn với những ngân hàng thương mại: "Trên cơ sở tổng kết thì Chính phủ cần nêu rõ quan điểm có cần thiết hay không việc dung ngân sách cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong trường hợp phải sử dụng ngân sách để xử lý những vấn đề đặt ra thì cần nêu rõ quan điểm để Quốc hội điều chỉnh chính sách cho phù hợp…".

Cũng trong chiều nay, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Cuối giờ chiều, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự. Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về: Dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.

Bình luận