Chờ...

Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng

(VOH) - Chiều 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 của TP. Hải Phòng.

Đây là địa phương thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị tổng kết chương trình xây dựng NTM, sau TP. Hà Nội vào 21/9 vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, xây dựng NTM là thách thức rất lớn, nhiệm vụ nặng nề với Hải Phòng, thành phố có đến 55% dân cư sống ở nông thôn (1,1 triệu người), 53% diện tích là nông nghiệp. Là địa phương xuất phát sau trong xây dựng NTM, Hải Phòng đã nhanh chóng đạt những kết quả cơ bản. Theo Thủ tướng, tư tưởng thông, hành động quyết liệt, nhất quán đã giúp nghị quyết quan trọng của Đảng đi vào đời sống, bộ mặt nông thôn Hải Phòng đổi thay.

“Tôi được biết vừa qua, Thành phố quyết định đầu tư cho mỗi xã 25 tỷ đồng, chưa kể hỗ trợ xi măng. Đây là mức đầu tư lớn”, Thủ tướng nói. Nhưng xây dựng NTM không chỉ là vấn đề hạ tầng, mà chính là mức sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông nghiệp của Hải Phòng năm 2019 tăng gần 5 lần so với năm 2010. Tỉ lệ hộ nghèo còn 1%.

Hải Phòng đã thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong tổng nguồn lực huy động gần 47.000 tỷ đồng thì có tới 45% là huy động từ xã hội.

“Việc huy động ngày công, việc đóng góp đất của nhân dân tính ra gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có hộ đóng góp 7 tỷ  đồng, có hộ 1 tỷ đồng, có hộ 1-2 triệu đồng tùy hoàn cảnh, thu nhập. Hình ảnh Nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển hạ tầng rất đáng trân trọng”, Thủ tướng nói. Đây là bài học chung về dựa vào sức dân. Trong huy động, Hải Phòng đã phát huy dân chủ, không gò ép, không nợ nần, từ tinh thần tự nguyện của người mà làm các việc lớn.

Mười năm thực hiện chương trình NTM đã tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất đối với Hải Phòng. Sự gắn kết giữa một đô thị hiện đại, một cảng biển lớn ở trung tâm với khu vực nông thôn xung quanh đã định hình tương đối rõ nét.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung còn nhỏ bé, phân tán về quy mô, phát triển dưới tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ manh mún. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn là mối lo ngại của người tiêu dùng. Chưa có nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu mạnh.

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn chưa giữ  được vững chắc bản sắc, giá trị truyền thống. Môi trường nông thôn còn nhiều điểm đáng lo lắng. Nông thôn Hải Phòng phải là vùng nông thôn yên bình, an ninh, an toàn và văn hóa.

“Chính vì thế mà một câu hỏi lớn đặt ra là trong quá trình đô thị hóa, xây dựng NTM, những danh tiếng ‘Tiên Lãng sông nước bốn bề, có nghề trồng thuốc, có nghề chiếu gon’, thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, rượu nếp cái hoa vàng, nước mắm Cát Hải, chả chìa Hạ Lũng, mực khô Cát Bà… và những cái tên bao đời gắn liền với Hải Phòng, đặc biệt văn hóa truyền thống nông thôn Hải Phòng, sẽ còn hay mất? Những văn hóa quý báu ấy như thế nào? 10-20 năm nữa, truyền thống, nét đẹp văn hóa những làng quê của Hải Phòng sẽ ra sao?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Ngày 8/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 76 thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trong đó xác định chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nâng cao chất lượng xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất khá giả,  môi trường sống an toàn, đời sống tinh thần phong phú,  giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, Thủ tướng bày tỏ đồng tình và thống nhất những phương hướng mà Hải Phòng đề ra. Hải Phòng cần có số huyện, số xã NTM kiểu mẫu nhiều hơn số lượng dự kiến. Hải Phòng cần tiên phong trong xây dựng những miền quê NTM đáng sống, xanh, sạch, đẹp.  Từ nay đến cuối 2020, Hải Phòng cần có phương án cụ thể hơn nữa, được công bố rộng rãi hơn nữa về việc xây dựng NTM, nhất là các xã vùng hải đảo.

Cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, tận dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng về công nghệ, về dịch vụ và chuỗi giá trị gia tăng, về chế biến, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa, thanh toán điện tử, thương mại nội địa, xuất khẩu.

Trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, bảo tồn và phát triển cần phải song hành, không được thiên lệch, xây dựng NTM gắn với tôn tạo, giữ gìn di tích. Hải Phòng phải hiện đại, nhưng Hải Phòng cũng cần giữ gìn nét đẹp và tinh hoa truyền thống, trước hết là di sản văn hóa phi vật thể cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng, tạo nên một không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển.

Không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người nông dân, cải cách hành chính mạnh mẽ, không còn tham nhũng vặt. Đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, kiên quyết nói không với túi nylon và đồ nhựa dùng một lần.

Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc cách mạng ấy không dừng lại ở thời điểm tổng kết hay trong 5-10 năm tới, Thủ tướng nêu rõ.

Theo báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, năm 2010, Thành phố bắt đầu tổ chức thực hiện xây dựng NTM tại 139 xã, 7 huyện với gần 54% dân số. Khi bắt đầu triển khai chương trình, theo kết quả rà soát, số tiêu chí về NTM bình quân đạt 5,76 tiêu chí/xã, nhiều xã mới đạt 2-3 tiêu chí.

Hết năm 2019, 100% số xã cơ bản đạt chuẩn NTM, vượt trước 1 năm so với kế hoạch của Thành phố và chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước (50%). Thu nhập đầu người khu vực nông thôn tăng dần theo các năm với tốc độ tăng bình quân trên 15%/năm. Năm 2019 đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng gần 40 triệu đồng so với năm 2010, trong đó, huyện Thủy Nguyên đạt cao nhất là 65,5 triệu đồng/người/năm. Huyện An Dương có giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân cao nhất là 128,98 triệu đồng/ha/năm do chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa sang trồng hoa màu, đặc biệt là hoa và cây cảnh.

Bình luận