Chờ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Tập đoàn Viettel

(VOH) - Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Viettel kể từ chuyến thăm vào năm 2016 nhân dịp 10 năm Viettel đầu tư quốc tế.

Chiều 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Tập đoàn Viettel

Báo cáo với Thủ tướng về những thành tựu phát triển của Viettel trong lịch sử gần 30 năm của Tập đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn cho biết, Viettel đã liên tục làm bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều thị trường trên thế giới, sở hữu khoảng 100 triệu khách hàng, Viettel đã trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Tập đoàn Viettel đã phát triển nhiều ngành nghề mới như ngành công nghiệp điện tử viễn thông, ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao, ngành công nghiệp an ninh mạng…

Theo báo cáo, chỉ riêng hai ngành công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp vũ khí công nghệ cao đã có doanh thu 12.000 tỷ đồng, tương đương với lĩnh vực đầu tư quốc tế của Tập đoàn. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đã được trang bị trong Quân đội và được đánh giá có tính năng tương đương với sản phẩm của NATO, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội.

Về lĩnh vực dân sự, Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công và đưa vào mạng lưới viễn thông Viettel tại Việt Nam và các thị trường Viettel đầu tư những thành phần quan trọng nhất của hạ tầng mạng viễn thông, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đó là thiết bị đầu cuối, mạng truy nhập, mạng lõi và cung cấp dịch vụ như trạm phát sóng BTS 4G, các loại tổng đài, hệ thống tính cước….

Viettel đã phát triển giải pháp tường lửa quốc gia, chặn lọc tin rác, hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7. Mục tiêu của Viettel tới năm 2020 là trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, viễn thông, toàn cầu với tăng trưởng 10-15%/năm. Viettel đặt ra chỉ tiêu sẽ đạt doanh thu từ 350.000-400.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng và vào top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Sau khi nghe tham quan, nghe báo cáo về hoạt động của Viettel và các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những thành tích mà Viettel đạt là “xuất sắc vượt bậc, toàn diện”, trở thành một doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trong ngành viễn thông, công nghệ thông tin, có số lượng thuê bao lớn kỷ lục, trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng lớn nhất, kinh doanh hiệu quả nhất thể hiện trên các chỉ số: lợi nhuận; nộp ngân sách, giá trị thương hiệu. Viettel là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Theo Thủ tướng, Viettel là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp nhà nước nếu có mục tiêu cao, khát vọng quốc gia, hệ thống quản trị tốt, cán bộ được lựa chọn đúng, đặt trong môi trường cạnh tranh, cơ chế động lực tốt thì sẽ phát huy hiệu quả tốt. “Và ở Việt Nam chúng ta, cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp như Viettel”, Thủ tướng nói.

Nhìn nhận nguyên nhân thành công của Viettel, Thủ tướng cho rằng, đó là văn hóa và tinh thần Viettel, chú trọng nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao, thu hút, đào tạo được nhiều nhân tài, chuyên gia giỏi, có bước đi phù hợp, “lấy ngắn nuôi dài”… “Các đồng chí có khát vọng lớn, có hệ thống quản trị hiện đại, liên tục mở rộng không gian mới, tận dụng các cơ hội của khoa học công nghệ, trước hết là đã bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng phát biểu.

Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Viettel tiếp tục phát triển công nghiệp viễn thông; tập trung thực hiện thành công các dự án, chương trình quan trọng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho quân đội ngày một mạnh hơn. Xây dựng Viettel thành tập đoàn nổi tiếng mang tầm khu vực như khẩu hiệu của Tập đoàn là “đuổi kịp, đi cùng, vượt lên”. Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản quốc gia. Nói đến Viettel là nói đến sự tín nhiệm, chất lượng, hiệu quả, công nghệ, do đó, cần dự báo, phân tích, quản trị rủi ro tốt hơn.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Viettel cần đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó, lan toả ra các lĩnh vực. Cần xây dựng mô hình tổ chức Tập đoàn theo hướng phẳng, thông minh, có cơ chế quản lý hiện đại, hiệu quả, linh hoạt, chuyên nghiệp, hướng tới khách hàng.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình đặc biệt của Viettel. Tập đoàn phải đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất mà Đảng, Nhà nước giao; đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá, làm xuất hiện người tài; phải tạo ra thách thức mới để vượt lên và thành công, lấy khó khăn là môi trường để rèn luyện, trưởng thành; tiếp tục đóng vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành viễn thông – công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần "kỷ luật là sức mạnh của quân đội". Không được chủ quan, thoả mãn.

Bình luận