Chờ...

Thủ tướng: Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhà ở xã hội, kinh tế số, kinh tế xanh

VOH - Ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về xây dựng pháp luật.

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu và trực tiếp cho ý kiến về các nội dung cụ thể của từng dự án luật, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị nội dung, cũng như các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng, sát thực tiễn…

Yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thêm một số quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn trong quá trình xây dựng các dự án luật.

Đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành.

img8361-1724131905960561374817
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.

Cùng với đó, thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, cần tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng; có quy định đặc thù với các doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho người đại diện phần vốn nhà nước.

Ở dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu thiết kế luật phải nhằm mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý, thu thuế.

Tuy nhiên, phải tạo môi trường thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu một số nội dung phân cấp cho Chính phủ quy định để phát huy tính năng động, sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp tình hình; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.

Đồng thời, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…

img8360-17241319056851669062609
Thủ tướng chủ trì thảo luận các dự án luật - Ảnh: VGP

Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; có lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi trong thực tế và bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật)…, giảm trực tiếp việc thực hiện các công việc cụ thể.

Cùng với đó, kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong pháp luật về viên chức hiện hành, tiếp tục làm tốt hơn, không gây xáo trộn không cần thiết; đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau và có thể phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ trong thực tiễn.

Thủ tướng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thu hút người tài vào ngành giáo dục, những người tâm huyết công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…; có chính sách đặc thù phù hợp với giáo viên từng cấp (mầm non, tiểu học, trung học, đại học...)

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý giáo dục vì giáo viên ở cơ sở, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo giáo viên; tạo thuận lợi cho nhà giáo hành nghề trong khuôn khổ pháp luật. Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm chi phí tuân thủ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và nhà giáo.

Đối với Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bám sát, thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nội dung có liên quan đến phát triển công nghiệp công nghệ số.

Trong đó có Nghị quyết 29 của Trung ương và Kế hoạch 13 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.

Đặc biệt, cần quy định rõ về thẩm quyền xem xét, chấp thuận cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền.

Đề cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thử nghiệm và của tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Cùng với đó, có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ số. Có công cụ để có thể xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, mới nổi. Nghiên cứu một số nội dung phân cấp cho Chính phủ quy định để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình thực tế chuyển biến nhanh.

Bình luận