Chờ...

Tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa 15

(VOH) - Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 6 dự án Luật.

6 dự án Luật được các đại biểu thảo luận bao gồm: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều vấn đề nổi bật đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến.

tuan-lam-viec-dau-tien-cua-ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-15-voh.com.vn-anh1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung Phiên họp chiều 27/5. (Ảnh: Quochoi)

Thảo luận tại kỳ họp về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các đại biểu nhận định: Chương trình xây dựng pháp luật cần phải có sự ổn định, tránh xáo trộn và kịp thời đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau đề nghị cần nghiêm túc nhận diện các xu hướng tác động đến công tác lập pháp để có sự đổi mới căn bản trong công tác này. "Trước hết đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhiều chiều khiến cho đón đầu các quan hệ xã hội thay đổi, tác động đến quản lý xã hội thay đổi,… luật pháp phải đi song song cuộc sống,... và xu hướng kiểm tra lập pháp bằng thực chứng. Đó là các xu hướng tác động đến luật pháp rất cao", đại biểu Thanh Vân cho ý kiến.

Thảo luận tại kỳ họp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Hiện nay, các quốc gia phát triển đang sử dụng điện ảnh để thâm nhập vào các nước khác, một mặt để quảng bá thương hiệu quốc gia của họ, mặt khác, để cạnh tranh với điện ảnh nước sở tại. Bên cạnh những mặt tích cực, thì việc nhập khẩu những văn hóa phẩm nói chung, tác phẩm điện ảnh nói riêng, cũng mang theo những hệ lụy. Chính vì vậy, Luật Điện ảnh Việt Nam cần có những quy định hợp lý và hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển mới.

Tại kỳ họp, Luật khám bệnh chữa bệnh cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Thảo luận tại tổ về dự án Luật, các đại biểu cho rằng: Việc xây dựng và ban hành Luật sẽ là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong quá trình khám bệnh chữa bệnh.

Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận ở tổ Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 của Quốc hội và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Cung cấp thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ - Đoàn Hải Phòng cho biết: Ủy Ban thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Ủy Ban Khoa học công nghệ và tờ trình của Chính phủ đều khẳng định đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt: giao thông vận tải, kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết so với Nghị quyết của Quốc hội cho đến nay đã quá thời hạn 2 năm nhưng vẫn có một số đoạn tuyến chưa hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Chủ tịch Quốc hội khẳng định dù chậm nhưng đây là nhiệm vụ bắt buộc phải làm và phải hoàn thành trong 5 năm tới.

Trong tuần đầu làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận tại tổ về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Bình luận