Bệnh nhân tiểu đường không nên ăn quá nhiều trái cây có lượng đường cao

VOH - Trên thế giới cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường và cứ 8 giây lại có 1 người chết vì bệnh tiểu đường!

Một bác sĩ chuyên khoa về bệnh tiểu đường đã chia sẻ rằng, bệnh nhân tiểu đường cũng có thể thưởng thức những món ăn ngon và kiểm soát lượng đường của mình thông qua cách thức “ăn đường” mới nhất và đúng đắn nhất trên thế giới.

Bệnh nhân tiểu đường làm thế nào để chọn được đường thích hợp?

You Nengjun – một bác sĩ chuyên khoa về bệnh tiểu đường người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, đường trong chế độ ăn uống có thể được chia thành polysacarit, disacarit và monosacarit theo cấu trúc của chúng.

Trong đó, polysacarit còn được gọi là tinh bột, tinh bột và disacarit phải được tiêu hóa để trở thành đường glucose trước khi vào máu, còn monosacarit không cần tiêu hóa để vào máu, mà trực tiếp vào máu với tốc độ cũng rất nhanh.

Khi bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết, nên cố gắng tiêu thụ các loại thực phẩm có đường đơn để tăng lượng đường trong máu càng nhanh càng tốt, chẳng hạn như đường glucose, nước ép trái cây và mật ong…

Bệnh nhân tiểu đường không nên ăn quá nhiều trái cây có lượng đường cao 1
Để tránh bị đường huyết và mỡ máu tăng cao, mọi người không nên ăn quá nhiều trái cây có lượng đường cao - Ảnh: TVBS

Bác sĩ You Nengjun gợi ý rằng, những người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng hết sức để làm chậm tốc độ và mức độ tăng đường huyết trong chế độ ăn uống hàng ngày, nên bắt đầu từ việc lựa chọn “chủng loại” và “số lượng” thực phẩm. Trong đó, chú ý chọn các loại thực có chỉ số đường huyết thấp.

Đường tinh luyện là loại đường dùng để tạo hương vị, chỉ làm tăng calo chứ không có vitamin hay khoáng chất có lợi cho cơ thể, chẳng hạn các loại đường tinh luyện như sucrose (hay còn gọi là đường ăn), đường fructose thường xuất hiện trong các món tráng miệng, nước uống, bánh ngọt…

Thực phẩm nào tạo ra đường?

Bác sĩ You Nengjun cho biết, tất cả các loại thực phẩm chứa đường sẽ tạo ra đường glucose sau khi tiêu hóa và hấp thụ, bao gồm: cơm, bún gạo, bánh mì, mì sợi, bánh ngọt, tinh bột, bột khoai lang, trái cây, rau củ, sữa… sẽ tạo ra đường.

Tổng lượng đường và loại đường trong mỗi bữa ăn là một trong những mấu chốt ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bữa ăn đó, các loại thực phẩm khác nhau có tốc độ và mức độ tăng đường huyết khác nhau.

Tính theo tỷ lệ, gạo làm tăng lượng đường trong máu nhiều nhất, tiếp theo là táo và bắp (ngô), canh chua cay cũng sẽ tạo ra đường nếu nấu đậm đặc, và rau củ là làm tăng lượng đường trong máu ít nhất.

Khi đường huyết sau ăn và trước ăn tăng quá mức cần phải tính toán lại để điều chỉnh giảm lượng đường trong máu.

2 cách điều hòa đường huyết hiệu quả

Để thay đổi lượng đường trong máu một cách hiệu quả, bác sĩ You Nengjun khuyến nghị nên bắt đầu từ” số lượng” và “chủng loại”, ví dụ: cho cơm vào chén (bát) nhỏ, đổi canh súp nhiều thịt nhiều cá thành súp rau và đậu hũ, đổi bắp (ngô) thành củ cải trắng… đều là những cách điều chỉnh chỉ số đường huyết (là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu) hiệu quả.

Khi phân biệt thực phẩm nào chứa đường, người ta thường lầm tưởng thực phẩm không ảnh hưởng đến đường huyết bao gồm: bắp (ngô), khoai môn, bí đỏ (bí ngô), khoai lang, thịt viên các loại, gà rán, sữa bò, sữa dê… những thực phẩm này phải được tính là trong tổng lượng thức ăn có đường.

Bệnh nhân tiểu đường không nên ăn quá nhiều trái cây có lượng đường cao 2
Vì bản thân trái cây có chứa đường, nên bệnh nhân tiểu đường tốt nhất chỉ ăn trái cây có chỉ số đường huyết thấp và nhiều chất xơ như ổi, bưởi, bơ, mâm xôi, cherry, dâu tây… - Ảnh: TVBS

Bác sĩ You Nengjun nhấn mạnh rằng, lợi ích của chất xơ là nó có thể làm tăng cảm giác no và làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu, lấy gạo lứt và gạo trắng làm ví dụ, gạo lứt có nhiều chất xơ hơn gạo trắng, ăn một chén cơm gạo lứt sẽ ít gây tăng đường huyết hơn một chén cơm gạo trắng.

Mọi người có thể thay đổi ít nhất một bữa trong ba bữa ăn từ gạo tinh chế sang ngũ cốc nguyên hạt để tăng lượng chất xơ trong ngày.

Rau củ và trái cây chứa nhiều chất xơ, ngoài việc giúp điều chỉnh lượng đường trong máu ra, chất xơ còn giúp giảm cholesterol, bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều rau củ.

Rau củ chứa rất ít đường, chất xơ trong rau củ có thể tăng cảm giác no, rất có ích cho bệnh nhân huyết áp cao, mỡ máu cao; mọi người cũng nên ăn một ít rau củ trước khi ăn cơm, có thể mang lại một cảm giác no nhất định, sẽ giúp lượng thức ăn tiếp theo sẽ giảm xuống, lúc này có thể tiếp tục bổ sung thêm rau củ vào bữa ăn, ăn như vậy có thể ăn no mà không khiến lượng đường trong máu tăng quá cao. Điều chỉnh thói quen ăn uống này, sẽ giúp mọi người ăn một lượng rau tương đối đầy đủ.

Ăn quá nhiều trái cây có lượng đường cao, coi chừng dễ bị đường huyết và mỡ máu tăng cao

Mặc dù cả rau củ và trái cây đều chứa một lượng lớn chất xơ, nhưng cái gọi là “năm loại trái cây và rau củ mỗi ngày” hay có người gọi là “bốn loại rau củ và một loại trái cây” hoặc “ba loại rau củ và hai loại trái cây”, nếu ăn quá nhiều trái cây hoặc thay thế “thực phẩm chính” bằng trái cây, ngoài việc tăng lượng đường trong máu ra, đường fructose dư thừa từ việc ăn quá nhiều trái cây cũng có thể làm mỡ máu tăng cao.

Do đó, để tránh bị đường huyết và mỡ máu tăng cao, mọi người không nên ăn quá nhiều trái cây, nhất là các loại trái cây có lượng đường cao.

Bình luận