Quả dứa: 9 lợi ích sức khỏe, lưu ý chọn mua chuẩn và dùng an toàn

(VOH) – Dứa được mệnh danh là thức quả ‘nhìn hoài không chán’ bởi hình dáng vô cùng độc đáo. Đằng sau vẻ ngoài đặc biệt ấy, phần thịt dứa vàng óng có hương vị hấp dẫn và rất giàu dinh dưỡng.

Vốn được thiên nhiên ưu đãi, danh sách trái cây ở xứ nhiệt đới khá đa dạng, mỗi thức quả có hương vị rất riêng biệt. Trong vô vàn các loại hoa quả ấy, sẽ thật thiếu xót khi không nhắc tới quả dứa. 

1. Tìm hiểu về dứa

Có thể nói đây là thức quả được biết đến qua rất nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi vùng miền địa phương, kể đến như dứa, thơm hay huyền nương. Bên cạnh đó, tên khoa học của dứa là Ananas comosus, hàm ý rằng đây là giống cây thuộc chi Ananas. 

1.1 Đặc điểm của cây dứa

Hình ảnh của cây dứa rất khó bị nhầm lẫn, cây mọc không quá cao (dao động từ 1 – 1.2m), thường là những cụm lá có răng cưa, dài như hình mũi mác, lá non mọc ở giữa và lá già mọc phía bên ngoài, tạo thành cụm xum xuê giống hình hoa thị. 

Hoa dứa sẽ hình thành từ vị trí trung tâm của cụm lá, khi đài hoa trở nên mọng nước, tụ lại thành quả dứa. Tuy nhiên quả dứa mà chúng ta biết tới thực tế là quả “giả”, quả “thật” chính là các mắt dứa.

dua-9-loi-ich-suc-khoe-luu-y-chon-mua-chuan-va-dung-an-toan-voh-0
Hoa dứa sẽ mọc ở trung tâm cụm lá, khi đài hoa phát triển, mọng nước sẽ tụ lại thành quả dứa (Nguồn: Internet) 

1.2 Các giống dứa phổ biến

Vốn khởi nguồn từ các quốc gia khu vực Nam Mỹ như Brazil hay Paraguay, song cho đến nay dứa được canh trồng ở khá nhiều đất nước trên thế giới. Hiện nay các giống dứa rất đa dạng như dứa Queen, dứa Cayen, dứa Tây Ban Nha (Red Spanish). 

Tại Việt Nam, dứa không quá kén đất trồng hay điều kiện nhiệt độ, chỉ cần đảm bảo đất dễ thoát nước, không bị ngập úng và nhiệt độ khoảng từ 22 – 27 độ C. Cây dứa được trồng rải rác khắp tỉnh thành trên cả nước bao gồm Phú Thọ, Nghệ An, Lạng Sơn, Tiền Giang,…, trong đó sản lượng dứa tại tỉnh Tiền Giang là nổi trội hơn cả. 

2. Tác dụng của dứa

Dứa nằm trong nhóm trái cây “hội tụ” chất dinh dưỡng vô cùng quý giá, nhất là vitamin C, vitamin B cùng các khoáng chất thiết yếu gồm mangan, photpho, magie, canxi. Nhờ vậy mà những lợi ích sức khỏe do dứa đem lại vẫn luôn được đánh giá cao. 

2.1 Cải thiện hệ miễn dịch

Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C cùng các nhóm chất chống oxy hóa như flavonoids and phenolic acids được tìm thấy trong dứa tương đối dồi dào. Các hoạt chất này không chỉ góp phần bảo vệ mô tế bào mà còn tham gia quá trình sản sinh tế bào bạch cầu, ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh. 

2.2 Hỗ trợ điều trị sỏi thận

Hiện tượng sỏi kết tinh và lắng đọng trong thận làm ảnh hưởng tới hoạt động bài tiết nước tiểu của cơ quan này. Ở thời kì đầu, khi kích thước sỏi còn nhỏ, bên cạnh sử dụng thuốc đặc trị của y học hiện đại, người bệnh có thể áp dụng các bài thuốc từ dứa như dứa nướng hoặc hãm nước dứa để cải thiện tình trạng bệnh. 

Xem thêm: 3 bài thuốc từ quả dứa chữa sỏi thận cực đơn giản, có thể áp dụng tại nhà

2.3 Kích thích tiêu hóa

Trong dứa có chứa hai loại enzym đảm nhiệm chức năng kích thích tiêu hóa, là enzym protease và bromelain. Hai nhóm chất này khi vào đường ruột sẽ hỗ trợ làm tăng tốc độ phân hủy protein trong thức ăn, đồng thời xây dựng “hàng rào” chống lại vi khuẩn gây rối loạn tiêu hóa. 

2.4 Thanh nhiệt cơ thể

Dứa vốn có vị chua ngọt, tính bình và đem đến hàm lượng lớn vitamin C nên thức quả này vẫn luôn được tin dùng trong những ngày hè oi ả. Ly nước ép dứa thanh mát, ngọt lành giúp hạ nhiệt cơ thể và đào thải các độc tố. 

dua-9-loi-ich-suc-khoe-luu-y-chon-mua-chuan-va-dung-an-toan-voh-1
Nước ép chua dịu, mát lành giúp giải nhiệt ngày hè (Nguồn: Internet) 

2.5 Phòng chống ung thư

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt chất beta – carotene do dứa cung cấp được cho là đóng vai trò quan trọng ức chế sự phát triển của tế bào gây ung thư. Theo đó, các chuyên gia vẫn đang tiến hành nghiên cứu sâu rộng hơn tác động của chất này trong ứng dụng điều trị ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư ruột già. 

2.6 Tốt cho đôi mắt

Dứa được đánh giá là thức quả mà chúng ta nên bổ sung để tăng cường bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. Cùng với đặc tính chống ung thư, beta – carotene từ dứa còn thúc đẩy hình thành tế bào hình nón và hình que ở võng mạc, đồng thời bảo vệ giác mác không bị tổn thương.  

Xem thêm: Những dấu hiệu khuyên bạn nên đi khám mắt để kiểm tra bệnh viêm giác mạc

2.7 Củng cố xương khớp

Như đã biết, các khoáng chất magie, magan, photpho hay canxi được xem như thành phần thứ yếu có trong dứa. Đây đều là những thành phần cực kì cần thiết với hệ vận động, chúng góp phần gia tăng mật độ khoáng xương và hình thành nên tế bào xương mới.

2.8 Tăng khả năng phục hồi sau chấn thương

Nhờ có tính kháng viêm mạnh mà bromelain có công dụng giảm viêm, sưng đau tại các cơ quan của hệ vận động khá hiệu quả, nhất là với các vùng có chấn thương bấm tím. 

2.9 Chống đông máu

Hoạt chất bromelain có trong dứa được biết đến như một thành phần thuốc chống đông máu cũng như giảm sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Ngoài ra, bromelain sẽ kết hợp cùng kali làm giãn mạch máu, tăng hoạt động tuần hoàn máu. 

Xem thêm: Các loại thực phẩm tốt nhất để tăng lưu lượng và tuần hoàn máu, phòng ngừa các bệnh lý tim mạch

3. Bà bầu ăn dứa được không?

Việc bổ sung thực phẩm cũng như các loại trái cây trong bữa ăn hàng ngày của mẹ bầu là vấn đề luôn được ưu tiên hàng ngày.

Để đảm bảo sức khỏe cả mẹ lẫn thai nhi, đồng thời phòng tránh nguy cơ sảy thai, có rất nhiều lời khuyên rằng bà bầu nên kiêng khem tuyệt đối dứa trong thực đơn. Song thực tế bà bầu vẫn có thể ăn dứa, nhưng cần hạn chế bổ sung ở kì tam cá nguyệt thứ 1

dua-9-loi-ich-suc-khoe-luu-y-chon-mua-chuan-va-dung-an-toan-voh-2
Bà bầu có thể ăn dứa, nhưng nên hạn chế dùng trong 3 tháng đầu tiên (Nguồn: Internet) 

Vào những tháng cuối thai kì, nếu các mẹ sử dụng dứa đúng cách và đúng liều lượng, sẽ nhận được lợi ích sau đây: 

  • Kích thích tiêu hóa
  • Giảm ốm nghén
  • Khắc phục căng thẳng, lo âu 
  • Hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch 

Xem thêm: ‘Điểm danh’ 6 lợi ích sức khỏe dứa đem lại cho bà bầu, các mẹ không cần kiêng khem tuyệt đối như ‘lời đồn’

4. Có nên cho trẻ ăn dứa?

Hương vị chua chua ngọt ngọt của dứa hứa hẹn sẽ là thức quả được các bạn nhỏ ưa thích. Thế nhưng, với các bé mới bắt đầu tập ăn dặm, mẹ đừng vội cho bé ăn dứa ngay vì hệ tiêu hóa của con chưa thích ứng các nhóm chất có trong thức quả này. Do đó, thời điểm tốt nhất để trẻ làm quen với thức quả này nên là sau 1 tuổi. 

Mẹ có thể cho con ăn trực tiếp hoặc kết hợp dứa cùng các nguyên liệu khác để chế biến các món ăn dặm. Các dưỡng chất từ dứa sẽ hỗ trợ cải thiện sức khỏe của bé như sau: 

  • Ngăn chặn vi khuẩn gây tiêu chảy E.coli và V.cholera
  • Kích thích ăn ngon miệng hơn 
  • Tăng cường sức đề kháng, phòng chống các bệnh lý đường hô hấp 
  • Tăng mật độ khoáng xương, thúc đẩy xương phát triển

Xem thêm: Cho trẻ ăn dặm với dứa – mẹ biết 3 lưu ý này thì chỉ lợi sức khỏe, không có hại!

5. Một số món ngon từ dứa

Dứa là loại trái cây khá đặc biệt bởi dùng làm thành phần chế biến món mặn hay món ngọt đều rất hấp dẫn. Các công thức chế biến món ăn từ dứa không quá cầu kì, phần lớn được hòa trộn với những nguyên liệu dễ tìm kiếm. 

dua-9-loi-ich-suc-khoe-luu-y-chon-mua-chuan-va-dung-an-toan-voh-3
Dứa có thể làm nguyên liệu của rất nhiều món ăn (Nguồn: Internet) 

Một số món ăn đơn giản dưới đây bạn có thể tham khảo để tự nấu ngay tại nhà: 

  • Mứt dứa 
  • Mực xào dứa 
  • Bánh dứa
  • Cơm rang dứa 
  • Dứa sấy dẻo
  • Dứa dầm muối đường 
  • Thịt heo sốt dứa chua ngọt 

Xem thêm: Thêm ngay bí quyết chế biến ‘nhanh, gọn, lẹ’ 7 món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng từ dứa

6. Ăn nhiều dứa có tốt không?

Ăn thêm dứa là cách giúp chúng ta chủ động tiếp nạp các nguồn dưỡng chất thiết yếu dành cho cơ thể, song điều đó không có nghĩa rằng ăn càng nhiều càng tốt. Quả dứa đem đến nhiều lợi ích sức khỏe là vậy nhưng sử dụng quá liều lượng thì lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy hại. 

Thông thường, mỗi ngày bạn chỉ nên dùng khoảng 1/2 - 1 quả dứa. Nếu vượt quá mức an toàn này thì nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ dưới đây khá cao: 

  • Rát lưỡi, sưng nhiệt lợi 
  • Bào mòn men răng, khiến răng đổi màu 
  • Gây dị ứng, kích ứng 
  • Tăng nguy cơ loãng máu
  • Rối loạn đường huyết 
  • Tổn thương niệm mạc và viêm loét dạ dày 

Xem thêm: 8 điều lý giải vì sao bạn không nên ăn quá nhiều dứa, cần biết sớm để tránh gây hại cho sức khỏe

7. Cách chọn dứa ngon

Chọn mua quả dứa ngon vốn không phải là chuyện dễ dàng bởi nhìn bề ngoài hầu hết trái nào cũng gai góc như nhau. Do vậy, để lựa được quả dứa ưng ý, bạn nên quan sát tỉ mỉ và chú ý một vài đặc điểm như màu sắc vỏ cần đồng đều, kích thước vừa phải và quan trọng là cần cảm nhận được hương thơm đặc trưng của thức quả này. 

Xem thêm: Chọn được quả dứa thơm ngon mà không biết 5 mẹo gọt đẹp mắt này thì thật phí!

8. Thành phần dinh dưỡng của dứa 

Hàm lượng dưỡng chất trong 165g thịt dứa được phân tích như sau: 

  • Lượng calo: 82.5
  • Chất béo: 1.7 g
  • Chất đạm: 1 g
  • Carbs: 21.6 g
  • Chất xơ: 2.3
  • Vitamin C: 131% giá trị hàng ngày 
  • Mangan: 76% giá trị hàng ngày
  • Vitamin B6: 9% giá trị hàng ngày 
  • Đồng: 9% giá trị hàng ngày
  • Thiamin: 9% giá trị hàng ngày 
  • Folate: 7% giá trị hàng ngày
  • Kali: 5% giá trị hàng ngày
  • Magiê: 5% giá trị hàng ngày
  • Niacin: 4% giá trị hàng ngày 
  • Axit pantothenic: 4% giá trị hàng ngày 
  • Riboflavin: 3% giá trị hàng ngày
  • Sắt: 3% giá trị hàng ngày

Như vậy, có thể thấy rằng dứa không chỉ góp phần làm nên hương vị độc đáo của nhiều món ăn mà chính nhờ dưỡng chất trong trái cây này, các vấn đề sức khỏe sẽ được cải thiện hiệu quả. Hy vọng rằng trong quá trình sử dụng thức quả này, bạn sẽ ghi nhớ, áp dụng những lưu ý ăn an toàn trong bài viết trên đây. 

Bình luận