NASA mất liên lạc với tàu vũ trụ Voyager 1

VOH - Tàu thăm dò Voyager 1, con tàu 46 tuổi đời của NASA hiện nay không thể truyền bất kỳ dữ liệu khoa học hay dữ liệu hệ thống nào về Trái Đất.

Theo CNN ngày 13/12, các kỹ sư đang cố gắng giải quyết vấn đề xảy ra trong khi con tàu vũ trụ lớn tuổi đang hoạt động trong vùng lãnh thổ vũ trụ chưa từng được khám phá, dọc theo vùng ngoại vi của hệ mặt trời.

Hệ thống dữ liệu bay (FDS) của tàu Voyager 1 chuyên thu thập thông tin và dữ liệu kỹ thuật từ thiết bị khoa học trên tàu, không còn liên lạc như dự kiến với bộ điều khiển viễn thông, theo NASA.

Khi hoạt động bình thường, FDS sắp xếp thông tin của tàu vũ trụ vào gói dữ liệu, sau đó truyền về Trái Đất bằng TMU. Gần đây, gói dữ liệu bị mắc kẹt, truyền một mẫu số 1 và 0 lặp lại. Đội kỹ thuật của Voyager truy ngược vấn đề đến từ FDS, nhưng có thể mất vài tuần trước khi tìm ra giải pháp.

NASA mất liên lạc với tàu vũ trụ Voyager 1
Mô phỏng tàu Voyager 1 nhìn lại hệ Mặt Trời từ khoảng cách xa - Ảnh: NASA

Vấn đề được nhận thấy từ ngày 14/11, khi hệ thống của tàu bắt đầu gửi một đoạn mã lặp lại, gợi ý nó bị mắc kẹt trong một vòng lặp.

Mặc dù tàu vũ trụ vẫn có thể nhận và thực hiện các mệnh lệnh được truyền từ trái đất, nhưng trục trặc liên lạc nói trên đồng nghĩa tàu không thể gửi dữ liệu khoa học hoặc kỹ thuật về trái đất.

Lần cuối cùng tàu Voyager 1 gặp vấn đề tương tự, nhưng không giống hệt, với hệ thống dữ liệu chuyến bay là vào năm 1981, và vấn đề hiện tại dường như không liên quan những trục trặc khác mà tàu vũ trụ gặp phải trong những năm gần đây.

Tàu vũ trụ Voyager 1 ở xa đến mức phải mất 22,5 giờ để các lệnh được gửi từ trái đất đến được tàu và phải mất 45 giờ để trái đất nhận được phản hồi.

Voyager 1 hiện là tàu vũ trụ xa trái đất nhất với khoảng cách khoảng 24 tỉ km, trong khi chiếc Voyager 2 song sinh của nó đã đi hơn 20 tỉ km tính từ hành tinh của chúng ta.

Cả hai đều ở trong không gian giữa các vì sao và là tàu vũ trụ duy nhất từng hoạt động ngoài nhật quyển - bong bóng từ trường và các hạt của mặt trời vượt xa quỹ đạo của sao Diêm Vương, ngôi sao cách xa mặt trời nhất trong hệ mặt trời.

Bình luận