Ngày Thế giới dành cho người hiến máu (14/6)

(VOH) - Ngày 14/6 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu (World Blood Donor Day).

Nhằm ghi nhận, cảm ơn và khuyến khích những người đã hiến máu, tiếp tục hiến máu nhắc lại, năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới đã thống nhất lấy ngày 14/6 là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu (World Blood Donor Day).

Ngày 14/6 là ngày sinh của giáo sư Karl Lendsteiner – người Áo, người đã phát minh ra nhóm máu ABO năm 1900 (đạt giải Nobel y học), mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới (truyền máu phải hoà hợp nhóm máu).

hiến máu
Ngày 14/6 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu (World Blood Donor Day).

Xem thêm: Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân đi hiến máu

Mục đích của Ngày thế giới dành cho người hiến máu không phải để vận động được nhiều người hiến máu vào dịp này mà là để kêu gọi các quốc gia, kêu gọi cộng đồng hãy ghi nhận và tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã hiến máu, họ là những người bình thường, nhưng đối với người bệnh, họ là những Người anh hùng - đã hiến tặng cho người bệnh, cho cuộc sống hai món quà vô giá – đó là MÁU và THỜI GIAN dành để đi hiến máu. Chính nhờ những món quà này, những nghĩa cử này mà hằng năm trên thế giới có hàng trăm triệu lượt người được cứu sống nhờ có máu để truyền.

Máu là một loại thuốc đặc biệt mà hiện nay chưa có chế phẩm nào thay thế được. Hàng năm, trên thế giới cần khoảng 130 triệu đơn vị máu phục vụ cho điều trị, cấp cứu và dự phòng thảm họa.

Vì máu có thời gian lưu trữ ngắn (khoảng 1 tháng) nên máu lấy ra khỏi cơ thể người hiến không thể để lưu trữ mãi mà chỉ có thời hạn nhất định theo từng loại thành phần khác nhau của máu (Ví dụ: Chế phẩm tiểu cầu lưu trữ ở 20-240C trong 5 ngày; Chế phẩm Hồng cầu lưu trữ ở 40C trong 35 ngày hoặc 42 ngày nếu có thêm chất bảo quản…)

Tại nước ta, phong trào hiến máu nhân đạo (hay hiến máu tình nguyện) đã nhen nhóm từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, được các y bác sĩ, sinh viên các trường y dược ở Hà Nội, TPHCM, thanh niên, công nhân tham gia.

Do ngành y tế mở rộng các kỹ thuật điều trị, nhu cầu máu ngày càng tăng cao. Giai đoạn năm 2000 – 2018, phong trào hiến máu tình nguyện nước ra có nhiều bước phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm nhấn quan trọng.

Thống kê tới năm 2018, cả nước đã tiếp nhận hơn 1,3 triệu đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 98%. Cơ cấu nguồn người hiến máu chuyển dịch dần sang các lực lượng khác như: cán bộ viên chức, người lao động, nông dân, lực lượng vũ trang…

Số lượng đơn vị máu tiếp nhận của toàn quốc mỗi năm gần đây không tăng nhiều nhưng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại thường xuyên đã đạt trên 50%. Ý thức của cộng đồng về hiến máu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 tăng cao rõ rệt. Đối tượng hiến máu đã có sự dịch chuyển khi cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân… tham gia hiến máu ngày càng tích cực.

Hơn 2 năm qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và lan rộng, hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn được duy trì đều đặn, an toàn, hiệu quả với những biện pháp tổ chức rất linh hoạt, sáng tạo. Năm 2021, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 1.304.191 đơn vị máu (quy đổi sang thể tích 250ml là 1.598.635 đơn vị), 56% là đơn vị máu thể tích từ 350ml trở lên, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%.

Bình luận