Nghệ thuật đóng sách: Giữ hồn sách cũ

(VOH) - Câu chuyện về sách và đóng sách được chuyên gia, nhà sưu tầm Dư Thanh Khiêm chia sẻ trong chương trình “Tản mạn về sách và đóng sách” sáng 6/8 tại đường sách TPHCM.

Bắt đầu từ niềm đam mê sưu tập sách cổ khi định cư ở Bỉ, ông Dư Thanh Khiêm học đóng sách 12 năm qua, tại một học viện ở Bruxelles. Ông không chỉ chạm tay mà còn rèn luyện, học hỏi không ngừng để trở thành bậc thầy ở thứ nghệ thuật công phu này.

Bàn về sách, ông Dư nói về lịch sử của sách, bắt nguồn từ hơn 5000 năm ở Lưỡng Hà, vùng đất giữa hai con sông Euphrate và Tigre, nay thuộc Iraq. Nơi đây hội tụ những quyển sách quý, chứa nhiều kiến thức có dạng những cuộn giấy cói cuốn tròn (volumen). Về sau, vì sự bất tiện của sách cuộn tròn đã thúc đẩy con người nghĩ ra cuốn sách như hình dáng ngày nay. Những cuốn đầu tiên mang tên codex.

Nghệ thuật đóng sách: Giữ hồn sách cũ 1
Cuộc trò chuyện của chuyên gia, nhà sưu tập Dư Thanh Nghiêm. Ảnh: Ngọc Giang

Đến thế kỷ thứ 9 các thủ bản (bản thảo) xuất hiện ngày càng nhiều. Trong các tu viện, các linh mục chuyên chép lại sách đạo và đó là những tuyệt tác về phương diện mỹ thuật. Ngoài những vị linh mục sao chép sách trên da bê còn cần họa sĩ để vẽ chữ cái đầu dòng. Màu đỏ lấy từ một loại sâu trong rừng, màu xanh lấy từ loại đá bán quý lapiz lappuzzi, màu vàng lấy từ vàng dát mỏng. Và đến thế kỷ 15, xuất hiện nghệ thuật đóng sách. 

Đóng sách là công việc làm đẹp và giữ gìn giá trị của sách bắt đầu có từ Ai Cập. “Ở Ai Cập, những cuốn Thánh kinh copte qua hàng trăm năm được đóng theo lối này vẫn không bị hư hỏng. Lối đóng copte hiện vẫn được giảng dạy trong các trường đóng sách ở châu Âu. Đó là một lối đóng kèm luôn cả bìa và cực kỳ chắc chắn. Người ta sử dụng cùng lúc hai mũi kim để khâu. Một viên chức Pháp gốc Việt, khi rời Bỉ, đã tặng hàng ngàn cuốn sách và bán lại không ít cổ vật, trong đó có một cuốn Kinh thánh copte” - ông Dư Thanh Khiêm chia sẻ về nguồn gốc của nghề đóng sách. 

Đến với chương trình, ông Dư Thanh Khiêm còn mang đến những cuốn sách cổ có niên đại cả nghìn năm để người xem thấy tường tận nghệ thuật đóng sách của người châu Âu xưa. Quyển Kinh Thánh đầu tiên của Hà Lan, có niên đại khoảng năm 1501 đến 1550 - một cuốn sách hiếm hoi còn giữ được nguyên bìa và nguyên hai khóa đồng. Ngoài ra ông còn sở hữu cuốn “Có một nụ cười nào đó” của Françoise Sagan với chữ ký và bút tích và một trong những trang sách trong cuốn Cosmographie universelle (Vũ trụ học phổ quát) của nhà bác học Sébastien Munster.

Ông Khiêm nhận định, nghệ thuật đóng sách ở Việt Nam dường như không còn. Bởi sự phổ biến và kỹ năng, thủ thuật đóng sách ở nước ta không cao. Trước đây, ông Nguyễn Văn Châu một thời đã có cơ sở đóng ở Sài Gòn và Nam Vang nhưng cách đóng đó lỗi thời với những thay đổi trong ngành vào những năm 1970. “Cá nhân tôi đặt hy vọng vào một số bạn trẻ chịu khó tìm tòi học hỏi từ những người nước ngoài. Cho đến nay chưa một ai chịu nhập những máy móc thiết yếu cho ngành này. Đã từng có người nhờ tôi giúp nhưng hỏi chỉ để biết. Chúng ta luôn cần những đầu tàu để kéo đoàn tàu cùng đi về phía trước. Chắc chắn người đầu tiên đi bước đột phá sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử đóng sách ở nước nhà”, ông Khiêm bày tỏ mong muốn về việc ý thức lưu giữ di sản sách vở của dân tộc ta. 

Trình độ và nghệ thuật ứng xử với sách, bảo quản, gìn giữ và lưu truyền sách phản ánh tầm mức văn hóa của cộng đồng quốc gia dân tộc. Do vậy, việc quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật đóng sách là cần thiết. Đó còn là sự nỗ lực của nhiều đơn vị, nhiều cá nhân để hoạt động đóng sách và phục chế sách một cách chuyên nghiệp.

Bình luận