Header-01
Đăng nhập

Những mật khẩu dễ đoán, không nên dùng

VOH – Sử dụng mật khẩu đễ đoán làm tăng nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu. Đây là danh sách mật khẩu được nhiều người sử dụng nhưng tin tặc chỉ tốn chưa đầy 1 giây để bẻ khóa.

Ngày nay, chúng ta có tới hàng loạt tài khoản tương ứng với hàng chục mật khẩu cần ghi nhớ. Từ tài khoản ngân hàng trực tuyến, tài khoản mạng xã hội đến tài khoản Gmail… mỗi thứ đều cần một mật khẩu đủ mạnh nhưng vẫn dễ nhớ. Đây vừa là thách thức vừa một trong những lý do khiến nhiều người phạm phải lỗi đặt mật khẩu quá đơn giản, dễ đoán.

1. Những mật khẩu dễ đoán nhất

Từ cơ sở dữ liệu của hàng trăm triệu tài khoản trực tuyến của người dùng, NordPass (công cụ quản lý mật khẩu của công ty cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo NordVPN) và các nhà nghiên cứu bảo mật độc lập, chuyên nghiên cứu về các sự cố an ninh mạng đã lập ra danh sách 200 mật khẩu phổ biến nhất năm 2022.

Trong số 20 mật khẩu được dùng nhiều nhất thì có tới 90% mật khẩu có thể bị tìm ra chỉ trong chưa đầy 1 giây.

Theo danh sách được công bố “password” là mật khẩu được nhiều người sử dụng nhất (gần 5 triệu người). Nó cũng nằm trong nhóm mật khẩu mà hacker chỉ mất chưa đến 1 giây để có thể xâm nhập vào.

Những mật khẩu dễ đoán, không nên dùng 1Xem toàn màn hình
Top 10 mật khẩu được sử dụng phổ biến nhất 2022, theo xếp hạng của NordPass - Ảnh: helpnetsecurity

Dưới đây là top 20 mật khẩu được dùng phổ biến nhất năm 2022 theo xếp hạng của NordPass. Nếu mật khẩu bạn đang sử dụng cũng xuất hiện thì tốt nhất, hay thay đổi ngay lập tức.

  1. password
  2. 123456
  3. 123456789
  4. guest
  5. qwerty
  6. 12345678
  7. 111111
  8. 12345
  9. col123456
  10. 123123
  11. 1234567
  12. 1234
  13. 1234567890
  14. 000000
  15. 555555
  16. 666666
  17. 123321
  18. 654321
  19. 7777777
  20. 123

Top mật khẩu ở trên đều khá đơn giản, dễ đoán. Có không ít mật khẩu đã quá quen thuộc với mọi người, ví như 12345, 123456789, 123321… Dù không có công cụ nào thì đôi khi chúng ta cũng có xu hướng hoặc thậm chí là đã từng thử gõ những mật khẩu này khi đăng nhập tài khoản lạ.

Vì vậy, muốn bảo vệ tài khoản, thông tin cá nhân thì trước hết mọi người không nên sử dụng những mật khẩu dễ đoán như vậy.

2. Cách đặt mật khẩu mạnh, an toàn

Đặt mật khẩu an toàn và đủ mạnh là một trong những cách giúp chúng ta hạn chế việc bị tin tặc xâm nhập, đánh cắp tài khoản. Hơn hết, mỗi người cần chủ động bảo vệ bản thân, tránh để bị tấn công rồi mới xử lý.

Những mật khẩu dễ đoán, không nên dùng 2
Người dùng cần chú ý đến việc đặt mặt khẩu, tránh mắc phải những sai lầm khiến hacker dễ dàng tấn công - Ảnh: Getty Images
  • Nên chọn mật khẩu dài và phức tạp, có ít nhất 12 ký tự, kết hợp giữa chữ hoa, chữ thường, ký tự đặc biệt (!, @, #, *...) và số. Ngoài ra, mật khẩu cũng không nên chứa các thông tin có thể dễ dàng thu thập hoặc đoán được (tên, ngày sinh, số điện thoại…).
  • Dùng một mật khẩu riêng biệt cho từng tài khoản, nói cách khác không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau hoặc đặt mật khẩu tương tự nhau.
  • Thường xuyên kiểm tra, cập nhật, thay đổi mật khẩu và sớm xử lý những tài khoản không còn sử dụng để tránh nguy cơ bị xâm nhập.
  • Dùng xác thực hai yếu tố (còn gọi là xác minh hai bước hoặc 2FA) để bảo vệ tài khoản. Trong trường hợp tin tặc phát hiện ra mật khẩu, nếu chúng không có thiết bị đáng tin cậy của bạn (ví như điện thoại) và mã xác minh 2FA thì cũng không thể truy cập vào tài khoản. Xác thực hai yếu tố chính là tạo thêm một lớp bảo vệ bằng cách yêu cầu xác minh ngoài tên người dùng và mật khẩu mỗi lần đăng nhập.
  • Sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo mật khẩu mạnh đồng thời lưu trữ chúng.
Bình luận