Phong tục Tết: "Xưa và nay" (phần 2)

(VOH) - “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Hai câu đối ứng với cách ăn Tết của người Việt từ bao đời nay.

Thịt mỡ, dưa hành

Tết Nguyên đán thì thịt heo là nguyên liệu chính, nhiều món ăn đều làm từ thịt heo, những món mà quanh năm có nhà ít dùng thường xuyên như: thịt đông, giò lụa, thịt kho trứng, canh khổ qua nhồi thịt, chả giò cuốn thịt…Do nạp nhiều “năng lượng” qua các món ăn bổ dưỡng nên thường nhà nào cũng phải có món dưa hành hay củ kiệu (người miền Nam) để ăn kèm cho đỡ ngán. Đặc biệt là dùng món dưa hành dùng để ăn kèm với bánh chưng, thịt đông thì hết ý. Miền Nam cuốn bánh tráng với rau sống, rau thơm chấm nước thịt kho trứng thì đặc biệt khó quên. Những hương vị món ăn này đọng mãi trong tâm thức của mỗi người Việt.

Dua hành

Ngày xưa, màu tím của hành củ ngâm trong keo thủy tinh long lanh báo hiệu cho mọi người Tết đã đến. Công đoạn làm hành, kiệu cũng công phu, phải phơi, cắt gọt, ngâm vào cái keo trước nửa tháng, canh sao cho tới gần 30 là hành, kiệu có thể ăn được. Mời khách nhà nào cũng phải có đĩa dưa hành ăn với bánh chưng hay đĩa củ kiệu tôm khô.

Làm dưa hành, củ kiệu tưởng dễ nhưng khó. Khó là ở chỗ làm sao nổi bật màu tím của hành, màu trắng của kiệu, khi làm nhiều để lâu ăn dần mà hành, kiệu vẫn giữ độ cứng giòn.

Nay thì dưa hành, củ kiệu, ai muốn ăn quanh năm đều có, chỉ cần chịu khó ra...siêu thị. Nhưng ăn kiệu, hành trong năm vẫn không ngon như ăn vào ngày tết. Không biết có phải do không khí làm cho món này hấp dẫn hơn hay do món mẹ làm thì hợp khẩu vị hơn?

thịt mỡ

Cho đến…Câu đối đỏ

Tết đến thì ngoài việc gặp chúc nhau, người xưa còn chúc qua thiệp, chúc bằng văn thơ, đó chính là các câu đối Tết được mỗi nhà treo lên tường khi đón xuân về.

Nhiều đền, miếu, hội hè mùa xuân đều treo câu đối, được viết theo kiểu chữ thư pháp rất đúng điệu, dù đôi khi người đọc phải ngẫm nghĩ một hồi mới biết nội dung của câu đối viết gì.

Câu đối Tết là một tập tục văn hóa của người Việt từ xa xưa. Người xưa rất trọng chữ nghĩa nên đưa vào câu đối Tết các ý tứ tinh hoa của cuộc sống tặng nhau, chúc nhau bằng văn thơ. Điều này thể hiện xã hội ngày xưa rất trọng kẻ sĩ, tức rất trọng những ông đồ mà đó cũng là “tôn sư trọng đạo” một truyền thống của người Việt.

Người kém chữ thì nhờ các ông đồ viết thay rồi đem về treo trên tường nhà để lấy may mắn. “Ông Đồ” trong thơ Vũ Đình Liên là một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người. “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Nơi phố đông người qua...”.

Ngày nay, nối tiếp và lưu giữ truyền thống này thì không chỉ thấy một ông mà người ta có thể thấy cả “phố” ông đồ. Không chỉ ông “đồ già” mà đa phần là ông đồ trẻ. Thậm chí không chỉ ông đồ mà có cả “bà đồ”. Miễn ai có khiếu viết chữ thư pháp đẹp đều có thể làm ông đồ, bà đồ. Thật ra làm ông đồ không chỉ có khiếu viết chữ đẹp mà còn phải có kiến thức uyên thâm, có tài  “xuất khẩu thành thơ” để có thể sáng tác câu đối cho từng khách hàng thì mới đích thị là “ông đồ già”.

Có năm Tết đến tôi ghé thăm nhà một ông đồ, vốn là một thầy giáo đã về hưu, được ông tặng hai câu đối về treo trong nhà. Năm sau, Tết đến khi đi ngang phố ông đồ chợt nhớ đến ông, gọi điện hỏi thăm, ông trách sao không đến để ông “cho chữ”. Đến thăm ông đồ thì không chỉ là xin câu đối hay văn thơ về treo trong nhà mà điều đáng kể đó là có thêm nhiều kiến thức về những chữ cổ, cách dùng, ý tứ của người xưa trong câu đối và cũng biết được những trường phái, cách viết thư pháp là nhiều điều mới lạ mà những người sống bằng nghề viết lách cần lắm.

Ngày nay, chúc tết giới trẻ không dùng thơ, văn vần mà chỉ dùng văn xuôi viết vào thiệp chúc tết rồi tặng nhau, có khi ở trong cùng thành phố nhưng vẫn bỏ vào phong bì, gửi bưu điện vì tiết kiệm thời gian, phù hợp với lối sống văn minh công sở trong giao tiếp ngày nay. Thuận lợi hơn, chúc tết bằng tin nhắn điện thoại, hình ảnh trong smartphone là nhanh lẹ, đi khắp thế giới, bạn bè người thân xa mấy cũng chỉ một cái ấn nút là xong. Thuận tiện, nhanh chóng nhưng cũng làm thiếu đi ý nghĩa trịnh trọng, chân tình của tấm thiệp chúc Tết, hay câu đối Tết. Đời nay, mấy ai đi thuê ông đồ viết giùm câu đối rồi đến nhà gửi tặng nhau hay đem về treo trong nhà. Nên ông đồ ngồi cả phố nhưng có ông cũng ngáp vắn, ngáp dài.

ông ĐồÔng đồ. Hình minh họa 

Pháo Tết vang lừng đón Xuân

Vài chục năm về trước, khi đó, cứ gần Tết đến là người ta nghe tiếng pháo rộn vang. Nhạc sĩ Phạm Duy đã có bài nhạc với lời nhạc như kể chuyện:

“Này em khi xuân về,

 Mà em nghe tiếng nổ,

 Là tiếng pháo cưới hay hội hè...”

Một điểm bán pháo điện trên đường Trường Chinh,

Một điểm bán pháo điện trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM 

Mùa xuân cũng là mùa cưới, người ta đốt pháo không chỉ đón Tết mà còn để tiễn cô dâu về nhà chồng (trường hợp này chỉ nghe tiếng pháo đốt một dây), pháo còn dùng để đốt vào đêm giao thừa để tiễn biệt năm cũ, đốt pháo còn thấy trong các dịp hội, hè, đình đám…Phong tục này không biết có từ bao giờ nhưng nay thì không còn được mọi người chuộng vì những tai nạn do pháo gây ra, vì ô nhiễm môi trường và vì lãng phí (nhất là khi đốt nhiều pháo đón giao thừa). Vì các lẽ đó, nhà nước đã cấm đốt pháo từ lâu. Không chỉ ở Việt Nam, ở các nước văn minh dù không cấm nhưng cũng không bao giờ người dân thấy cả thành phố vang trời tiếng pháo, khói bay mù mịt như sương sớm mà tôi đã từng thấy thuở nhỏ.

Nay để hình tượng hóa tiếng pháo người ta dùng hình ảnh, âm thanh từ đĩa, video hay dùng tiếng nổ của bong bóng thay thế. Mới đây, các dây pháo bằng điện được nhập vào Việt Nam, người ta treo dây pháo lên cắm điện và đốt pháo bằng điểu khiển từ xa, muốn kéo dài tiếng pháo nổ bao nhiêu cũng được. Khi nào không muốn nghe nữa thì chỉ cần bấm tắt. Đúng là thời buổi hiện đại và chắc chắn đốt pháo kiểu này thì “hại điện”.

Tục đốt pháo xưa được nhiều nơi thay thế bằng pháo hoa bắn lên trời kể cả trong giờ phút giao thừa. Bắn pháo hoa thì hàng triệu người đều được thưởng thức và sẽ tiết kiệm hơn, bớt được tai nạn và môi trường sẽ giảm ô nhiễm hơn vào dịp Xuân về. Tục đốt pháo được xóa bỏ cũng phù hợp với xu thế chung của thời đại không chỉ ở Việt Nam, cả các nước trong khu vực và thế giới văn minh ngày nay.

Đêm nấu bánh chưng

Đêm nấu bánh để có cảm giác Tết đang đến. Hình minh họa

Đêm nấu bánh chưng

Trong các điều thú vị nhất của ngày Tết đó chính là nồi bánh chưng vào đêm cuối năm. Sách sử ghi nhận từ thời Hùng Vương, người xưa gói bánh chưng đúng vào đêm 30 để sáng mùng một đón ngày đầu năm, vớt chiếc bánh còn nóng để cúng tổ tiên hay thưởng thức trong ngày đầu năm để đón nhiều điều may mắn. Sử truyền lại thế nhưng đó là từ xa xưa, thực tế thì ít ai mà gói bánh đúng vào đêm 30 tết cả!  Tầm 26, 27 là đã bắt đầu để còn có bánh kịp đem biếu cho người thân hay làm lễ cúng tất niên mời ông bà về ăn tết.

Hồi bé tôi cũng xông xáo lao vào với các công đoạn của việc gói bánh chưng như vo gạo nếp, đãi đậu, giã đậu, ướp thịt… Khi lớn lên thì ôm luôn cả việc gói bánh vì coi vậy chứ gói bánh cần người mạnh tay nén bánh cho chặt như thế bánh để được lâu mà bánh cũng chắc, ngon, để lâu được. 

gói bánh

Hình minh họa

Khi gói bánh, người lớn ngồi bệt dưới đất, gói cả buổi không phải ai cũng có thể kham nổi. Người miền Nam thì thường gói bánh tét, bánh tét gói thì không cần khuôn, chỉ cầm trên tay mà gói nên cũng nhanh và nhẹ nhàng hơn. Điều vui nhất, ấn tượng nhất và đỡ…mệt nhất ai cũng thích đó là công đoạn canh nồi bánh chưng.

Vài chục năm trước ở thành thị, nồi bánh chưng thường được nấu bằng bếp củi. Vài tháng trước tết, nhà nào muốn gói bánh phải để dành sẵn vài gốc củi “gộc” để nấu bánh, cái cảm giác thức suốt đêm canh bánh chưng rất lạ, nó hồi hộp, vui rộn rã vì ngồi canh bên bếp lửa chờ nồi bánh chín như chờ… tết đến. Có bà con, người thân quay quần chung quanh nồi bánh, chuyện trò rôm rả khiến thời gian qua đi như nhanh hơn. Trời gần sáng, người quanh nồi bánh vơi dần cho đến khi bánh chín phải vớt ra, ép bánh xong, hết việc thì cũng đã mất gần nửa buổi sáng hôm sau.

Mắt trĩu xuống vì thức trắng đêm, lại phải lo dọn nhà cửa, cộng với niềm vui khi Tết đến làm cho bao người cả trẻ lẫn già đều… thiếu ngủ. Và những ngày đầu khi năm mới đến thì lo ngủ… bù. Mệt nhưng vui.

Ngày nay, nhiều nhà cũng vẫn giữ tục nấu bánh chưng nhưng công đoạn và cách nấu đã thay đổi nhiều lắm. Giờ người ta nấu bằng bếp gas, bếp nhỏ, nồi nhỏ mỗi lần nấu ít bánh nên phải nấu vài lần, bếp gas thì cũng không cần canh lửa, chỉ cần canh châm nước thêm cho nồi bánh. Các công đoạn cũng được chuẩn bị trước với nhiều đồ dùng bếp núc hiện đại, đâu cần phải ngồi giã đậu mỏi cả tay. Việc gói bánh cũng nhờ thợ gói. Còn thuận tiện hơn, những gia đình trẻ ngày nay đó là mua bánh bán sẵn với những thương hiệu nổi tiếng, ăn vừa ngon, vừa không mất thời gian, công sức… Cái niềm vui gói bánh cuối năm trong một gia đình có nhiều thế hệ thì khó tìm được nữa…

Phong tục Tết còn nhiều và cũng thay đổi theo mỗi gia đình, làng xóm, địa phương và đặc biệt là thay đổi theo thời gian. Có khoảng lặng vào dịp Tết, ngồi nhớ lại phong tục truyền thống của người xưa cũng là cách để ôn cố tri tân, gạn lọc và phát huy những phong tục tập quán cho phù hợp với thời đại. "Xưa và Nay" luôn là hai mặt của cuộc sống nhưng vẫn thống nhất với nhau dù có đôi chút biến tấu bằng những ý tưởng hay sáng tạo của mỗi gia đình.

Phong tục Tết: "Xưa và nay" (phần 1) -  (VOH) - Đón Tết Nguyên đán là một truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam, đi cùng với tết là các phong tục, tập quán mà mỗi gia đình lại có những cách đón Tết riêng của mình.

Bình luận