Căn nhà 287/70 - địa chỉ đỏ mang tên “Biệt động Sài Gòn”

VOH - Căn nhà 287/70 là “địa chỉ đỏ” có căn hầm bí mật từng là nơi cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn chuẩn bị để tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968.

Ở phường 5, quận 3 có một căn nhà rất đặc biệt. Căn nhà nằm giữa 2 con hẻm thông nhau của  đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần. Căn nhà có địa chỉ  287/70, nếu đi từ đẩu hẻm 287 Võ Văn Tần thì căn nhà chỉ cách đầu hẻm vài bước chân.

Diện tích căn nhà không lớn, chỉ vỏn vẹn khoảng 37m2 (dài 14,9m, rộng 2,5m) nhưng rất dễ nhận ra nét khác biệt của căn nhà. Phía trước có bức phù điêu nói về hoạt động của chiếc sĩ Biệt động Sài Gòn.

Ngoài ra còn có tấm biển lớn ghi: Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia: Nơi cất giấu vũ khí của Biệt động thành đánh bom Dinh Độc Lập 1968. Phía trên đầu hẻm cũng có biển hiệu tương tự rộng bằng bề ngang của con hẻm.

Căn nhà 287/70 - địa chỉ đỏ mang tên “Biệt động Sài Gòn” 1
Phía trước căn nhà 287/70

Căn nhà là “địa chỉ đỏ” bởi vì nơi đây có căn hầm bí mật từng là nơi cất giấu gần vũ khí của Biệt động Sài Gòn chuẩn bị để tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968. 

Theo tài liệu ghi chép lại, năm 1966, ông Trần Văn Lai, biệt danh Năm Lai khi ấy vừa làm việc tại Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán, vừa hoạt động bí mật trong đơn vị "bảo đảm" của Biệt động Sài Gòn đã mua căn nhà này và bí mật đào hầm để làm nơi cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn.

Lúc đó, lấy cớ đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Lai và vợ đào căn hầm để cất giấu các loại vũ khí được chuyển từ ngoại thành vào. Ròng rã hơn 7 tháng trời mới hoàn thành căn hầm. Nắp hầm ngụy trang nằm giữa phòng khách, có cửa thoát hiểm và các lỗ thông khí. Căn hầm cất giấu gần 2 tấn vũ khí, 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK, súng B40 và 3.000 viên lựu đạn.

Căn nhà 287/70 - địa chỉ đỏ mang tên “Biệt động Sài Gòn” 2
Căn hầm bí mật

Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần làm nên những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Chính từ căn hầm này, đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, các chiến sĩ Biệt động đội 5 đã tập trung để nhận vũ khí. Đội xuất phát trên 3 ô tô và một chiếc Honda tiến về Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội.

Sau ngày giải phóng, căn nhà này được gia đình ông Lai giữ gìn, khôi phục hiện trạng cũng như sưu tầm thêm nhiều hiện vật liên quan đến hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Và đến năm 1988, căn nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm 2018, căn nhà này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm. Tổng Bí thư xúc động viết:

"Đến thăm gia đình cố Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai - một trong những cơ sở tiêu biểu nhất nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, hầm chứa vũ khí, khí tài phục vụ đắc lực cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào Dinh Độc Lập của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn; được chứng kiến những hiện vật tại Di tích, tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm vì nước quên thân của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tôi hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã gìn giữ, lưu giữ những kỷ vật trưng bày vô cùng quý giá này. Mong rằng chính quyền thành phố tiếp tục đầu tư, tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này không chỉ là nơi mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau".

Không chỉ xây dựng hầm bí mật, ông Trần Văn Lai khi đó còn thiết lập rất nhiều nơi che giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật để chuyển giao thư từ, tài liệu. Hay như căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, Quận 1), được ông xây dựng ngay bên cạnh nhà của tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 của Ngụy quyền Sài Gòn.

Sau ngày giải phóng, ông Lai công tác ở Bộ Tư lệnh TPHCM rồi chuyển sang Phòng Tổng kết chiến tranh. Là thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, ông được nghỉ hưu năm 1981 và qua đời tháng 6/2002. Năm 2015, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Năm 2020, địa chỉ đỏ này là điểm đến trong chùm tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn" do Sở Du lịch TPHCM xây dựng. Hoạt động này nhằm thực hiện chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao khả năng khai thác yếu tố đặc trưng, mang nét riêng, hấp dẫn của thành phố để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch TPHCM, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách.

Bình luận