Bảo tàng thông minh Biệt động Sài Gòn với ứng dụng 3D

(VOH) - Chuỗi Cà phê Đỗ Phủ là 3 di tích lịch sử tại 3 căn nhà số 113A Đặng Dung, số 145 Trần Quang Khải, quận 1 và số 270 Võ Văn Tần, quận 3 tôn vinh những giá trị lịch sử hào hùng.

Với mong muốn phục dựng lại bức tranh thời chiến tranh và bảo tồn những hiện vật lịch sử, hai cha con ông Trần Vũ Bình và anh Trần Trọng Nghĩa - là con trai và cháu nội của chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Năm Lai, bí danh Mai Hồng Quế) đã mày mò, phục chế nguyên trạng các hiện vật của các chiến sĩ Biệt Động Sài Gòn để mọi người ngày nay có thể đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, những người thực hiện muốn đem đến góc nhìn toàn diện hơn về lịch sử và những con người tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn năm ấy.

Anh Trần Trọng Nghĩa (áo trắng)   đang thuyết minh về di tích Biệt động Sài Gòn

Anh Trần Trọng Nghĩa (áo trắng) đang thuyết minh về di tích Biệt động Sài Gòn cho các đoàn viên Chi đoàn Trường THCS Võ Trường Toản.

VOH đã trao đổi với anh Trần Trọng Nghĩa – hiện đang quản lý chuỗi Cà phê Đỗ Phủ - gắn liền với 3 di tích lịch sử mang tới những trải nghiệm thú vị cho khách tham quan và tôn vinh những giá trị lịch sử hào hùng.

*VOH: Được biết bạn là cháu nội của chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai và đang quản lý chuỗi cà phê Đỗ Phủ, bn chia sẻ về quá trình hình thành và xây dựng quán?

Anh Trần Trọng Nghĩa: Từ nhỏ tôi đã được nghe ba kể những câu chuyện lịch sử về ông nội và những đồng đội của ông - Lực lượng Biệt Động Sài Gòn - Gia Định. Những câu chuyện ấy cứ theo tôi và in sâu vào trong tâm trí tôi, thôi thúc hai cha con muốn làm điều gì đó để gìn giữ và hồi sinh lại những câu chuyện hào hùng ấy. Thế là tôi và ba dành hẳn 6 năm ròng để tìm tòi các tài liệu, thông tin về các căn cứ, địa điểm di tích lịch sử của ông nội và các chiến sĩ đồng đội. 

Tôi cùng ba quyết định chọn quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tại 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1, là căn cứ gồm 2 căn hầm nổi, 2 hộp thư bí mật của Biệt động Sài Gòn là điểm xuất phát trong quá trình phục dựng các di tích. Sau khi hoàn thành phục dựng xong căn cứ tại 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1, tôi và ba ngồi lại và hội ý cùng các anh chị cộng sự của ba xem làm sao để đưa đến cho du khách tham quan một trải nghiệm thật thú vị về các bảo tàng và di tích.

Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng mở các quán cà phê và cơm tấm trên nền các di tích lịch sử và lấy tên Cà Phê Đỗ Phủ - Cơm Tấm Đại Hàn làm tên chủ đạo cho cả chuỗi quán cà phê kiêm di tích lịch sử.  

Về quá trình phục dựng lại quán, khó khăn nhất là phần hiện vật và nhân lực. Phải làm sao để có thể chiêu mộ những cô chú anh chị cộng sự có cùng niềm đam mê và am hiểu về lịch sử để đồng hành cùng tôi và ba. Phải làm sao để tìm lại được các hiện vật của ông nội dùng ngày xưa và cùng niên đại của quán vào khoảng thập niên 40 vì quán mở vào năm 1946, nghĩa là đã cách đây hơn bảy mươi năm rồi. Tuy vậy, sau tất cả thì hai cha con bằng rất nhiều thời gian, tâm huyết cũng đã thu về những thành quả nhất định như hiện nay. 

*VOH: Khi đến đây, khách tham quan có thể cảm nhận rõ không gian quán cà phê mang sắc thái hoài cổ khi các vật dụng của căn nhà khi xưa đều còn nguyên vẹn và có sưu tập thêm đồ dùng từ những người lính biệt động, nhiều tư liệu quý giá về lực lượng Biệt động Sài Gòn. Động lực nào đã thôi thúc bạn có ý tưởng phục dựng quán, lưu giữ cho mai sau về một thời điểm lịch sử đặc biệt hào hùng của dân tộc?

Anh Trần Trọng Nghĩa: Từ khi ý thức được niềm đam mê về những giá trị xưa cũ và rất nhiều lần tôi thắc mắc vì sao lúc nào rảnh ba cũng tìm tòi các hiện vật, chăm chú nghiên cứu tài liệu về ông nội. Hàng ngày sau khi tan ca ba đều chở tôi đến những căn nhà ngày xưa khắp Sài Gòn. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra niềm đam mê, tâm huyết của ba và quyết định đồng hành cùng ba.

Khoảng thời gian tôi chưa bước vào cánh cửa đại học, trong các buổi học môn lịch sử, tôi vẫn nhớ như in sách giáo khoa và chương trình giảng dạy khi đề cập đến đêm Tết Mậu Thân 1968. Lực lượng đã chiến đấu trong đêm Tết Mậu Thân chỉ được gọi chung là quân giải phóng, trong khi thực tế lực lượng đó chính là Biệt Động Sài Gòn.

Hai điều trên chính là động lực thôi thúc tôi cùng ba phục dựng lại các địa điểm di tích. Mục đích lớn hơn nữa là làm cho mọi người biết đến lực lượng Biệt Động Sài Gòn, biết đến những công trạng của họ, sự hy sinh của các chiến sĩ biệt động để góp phần cho đất nước có được độc lập và hoà bình như hôm nay.

Bản thân tôi đã từng đi phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử nhưng có những trường hợp khi tôi vừa đi đến nơi thì hay tin họ đã mất. Vì vậy thông tin đó cũng mất luôn vì họ là người duy nhất biết được. Điều đó làm bản thân tôi nghiệm ra rằng có những việc mình không làm hôm nay thì ngày sau sẽ vĩnh viễn không làm được nữa. Đó chính là động lực thôi thúc tôi phải làm nhanh, làm ngay!

*VOH: Bảo tàng thông minh – Biệt động Sài Gòn hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần vào việc phát triển yếu tố di sản văn hóa trong một đô thị thông minh. Từ đâu mà bạn có ý tưởng xây dựng bảo tàng thông minh, sử dụng công nghệ hiện đại bằng hình ảnh 3D để khách tham quan có thể quay ngược thời gian nhìn về lịch sử?

Anh Trần Trọng Nghĩa: Tôi rất mong muốn các bạn trẻ tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Tôi nghĩ rằng, khi lịch sử được kể một cách phong phú, sinh động, chắc chắn sẽ tạo nên sức hấp dẫn đối với độc giả. Từ đó tôi đặt ra mục tiêu làm sao để đưa lịch sử một cách gần gũi, thú vị và hấp dẫn đến mọi người, các bạn trẻ và những du khách tham quan. 

Cho đến một ngày tôi tình cờ được làm việc chung với các cô chú cộng sự của ba, đang quản lý khu tương tác công nghệ mới JP World toạ lạc tại trung tâm thương mại Gigamall Thủ Đức. Tôi xin phép được đến tham quan.

Đến đây, trước mắt tôi là vô vàn các công nghệ hình chiếu và tương tác hiện đại, như trò chơi thực tế ảo VR, hay suối hoa với mỗi bước chân nở hoa khi chúng ta đi. Tôi cũng đã từng đi du lịch ở Singapore và tôi thấy bên đó có sở thú thông minh. Mặc dù không có thú nhưng khi đeo mắt kính vào là có thể thấy và tương tác với thú. Vậy là tôi đã hợp tác cùng cô chú để triển khai một khu bảo tàng về Biệt Động Sài Gòn ứng dụng các công nghệ hiện đại và lấy tên là “Bảo Tàng Thông Minh Biệt Động Sài Gòn”. 

Tôi tự nhủ, nếu ông nội tôi là một trong những người làm nên lịch sử và ba tôi là người khôi phục lại lịch sử thì tôi sẽ là người làm cho lịch sử thú vị và hấp dẫn hơn! Từ đó bảo tàng thông minh ra đời, bao gồm các công nghệ hiện đại như: Bàn thông tin thông minh, khu chiếu phim tài liệu sử dụng công nghệ hình chiếu trên mọi bề mặt và cảm ứng chạm tay lên tường, game nhập vai chiến sĩ Biệt Động Sài Gòn kính VR, công nghệ mapping 3D.

Tôi quan niệm xã hội ngày càng phát triển thì chất lượng cuộc sống của con người cũng dần thay đổi. Du khách đến tham quan bảo tàng không chỉ để nhìn và đọc những dòng chữ ghi trên hiện vật mà cần có sự tiếp xúc, tương tác với những hiện vật mà mình quan tâm. Tôi tin rằng Bảo tàng thông minh sẽ cuốn hút bạn trẻ và cuốn hút luôn cả du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về câu chuyện lịch sử của đội biệt động Sài Gòn. 

*VOH: Cảm ơn anh.

Mỹ điều 2 tàu sân bay cùng nhiều tàu chiến tập trận ở Biển Đông - (VOH) – Theo CNN, ngày 4/7 cho biết, Hải quân Mỹ điều 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan và nhiều tàu chiến tới Biển Đông để tham gia một cuộc tập trận tại đây.

Bình luận