Chờ...

Biến di sản văn hóa thành điểm đến du lịch - bài 2: Khó khăn lớn nhất là về nhận thức

(VOH) – Với 320 năm hình thành và phát triển, Thành phố vẫn mang trong mình nhiều di sản văn hóa thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau

Như trong bài 1 mà chúng tôi đã đề cập, so với khu vực các tỉnh phía Bắc, Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TPHCM có tuổi đời không dài, tuy nhiên, với 320 năm hình thành và phát triển, Thành phố vẫn mang trong mình nhiều di sản văn hóa thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó, có cả sự giao thoa văn hóa Đông Tây kim cổ, xen kẽ trong đó là những công trình kiến trúc mang nét Á - Âu có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Ngoài ra, đó còn là những di tích đền, chùa, những công trình tín ngưỡng tôn giáo mang đậm dấu ấn của mỗi cộng đồng, dân tộc.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc khai thác chiều sâu và giá trị của các di sản văn hóa này vào thực tế còn nhiều hạn chế, nhiều công trình đứng trước những thách thức giữa bảo tồn, tôn tạo hay phát triển. Làm thế nào để phát huy giá trị tích cực đó trong đời sống hôm nay? Nâng cao nhận thức của cộng đồng như thế nào trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển? Đây là những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra với PGS.TS Trần Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM.

Ảnh minh họa

VOH: Thưa ông, so với các địa phương khác trong cả nước, số lượng các di sản văn hóa, kiến trúc trên địa bàn TPHCM hiện nay như thế nào?

PGS.TS Trần Văn Ánh: Hiện nay, toàn TPHCM có 172 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia cũng như cấp Thành phố. Số lượng này không phải là nhiều nhưng cũng không phải ít. Tuy nhiên, còn một loạt công trình khác vẫn đang chờ được xếp hạng. So với các địa phương khác như Hà Nội, các tỉnh phía Bắc rõ ràng không bằng, nhưng nét riêng của di sản văn hóa kiến trúc TPHCM gắn liền với thời kỳ thực dân, thời kỳ đô hộ của Pháp. Đó là điều mà chúng ta phải giữ lại chứ không thể bỏ được. Hiện nay, Hội đồng phân chia di tích của Thành phố vừa mới họp xong, xác định ra từng loại di tích riêng như di tích cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4.

Cấp 1 với cấp 2 là chúng ta tuyệt đối không được đụng tới nhưng việc trùng tu, tu bổ phải đảm bảo giữ được nguyên trạng của nó. Còn di tích cấp 3 có thể trùng tu, sửa chữa theo từng giai đoạn. Riêng đối với di tích cấp 4 có thể phá bỏ để xây dựng mới.

Hiện nay, Hội đồng của TPHCM đã xếp hạng. Các nhà Kiến trúc sư, các nhà di sản, các nhà văn hóa, các nhà quản lý đã ngồi lại với nhau, thẩm định hồ sơ rõ ràng. Đây chính là cơ sở để các địa phương biết để quản lý.

VOH: Công tác bảo tồn di sản ở TPHCM hiện nay gặp những khó khăn nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Ánh: Những khó khăn của nó không thể nói ngay được. Khó khăn lớn nhất là về nhận thức. Chúng ta cứ muốn đô thị hóa, vị trí nào cũng muốn được xây mới trong khi đó, đòi hỏi việc bảo tồn là phải gìn giữ các công trình cổ, các di tích cổ bởi nó thể hiện được bản sắc của đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TPHCM xưa. Muốn giữ gìn được các di sản ấy, việc cần làm không phải là tiền mà là nhận thức. Thực ra, nếu các di tích này được gìn giữ tốt nó sẽ đem lại nhiều giá trị lớn về vật chất lẫn tinh thần cho đô thị có tuổi đời 320 năm.

VOH: Ý kiến của các chuyên gia cho rằng, có một sự mâu thuẫn về việc giữ gìn di tích kiến trúc văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là đối với biệt thự mang kiến trúc Pháp xưa, nếu thuộc về tư nhân đang quản lý hoặc sở hữu, họ lại muốn đập bỏ đi để xây lại công trình mới, nhà nước muốn bảo tồn thì phải mua lại công trình kiến trúc đó để thực hiện mục đích bảo tồn. Riêng đối với các biệt thự cổ như Dinh Thượng thư, người dân lại mong muốn phải gìn giữ để bảo tồn. Làm thế nào để hài hòa 2 nhu cầu này thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Ánh: Thật ra, không phải hoàn toàn như thế. Chỉ một số như thế thôi, còn phần đông người dân vẫn biết giữ lại. Có điều, trong suốt một thời gian dài, chúng ta không đưa ra một quy hoạch cụ thể, cho nên khi người dân sinh sống, công trình xuống cấp và muốn sửa chữa, nâng cấp nhưng không được. Đó là một điều bất hợp lý trong công tác quản lý, chứ không phải tư nhân quản lý là họ muốn đập bỏ để xây mới đâu. Có những tư nhân họ biết khai thác và đem lại nguồn lợi rất lớn chứ không cần xây dựng lên cao ốc hay biệt thự bự. Tuy nhiên, phải nhắc lại là do công tác quản lý còn nhiều bất cập, người ta muốn tu bổ trùng tu để làm sao phát huy giá trị di tích ấy thì lại không được.

Ngược lại, Nhà nước trước khi xóa bỏ một di tích cũng xem xét lại những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần của nó trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Sau này, Thành phố cũng đã nhận ra được điều đó nên trước khi xóa bỏ một di tích cũng lấy ý kiến phản biện của người dân, của Hội đồng. Đây là việc làm cần thiết, cầu tiến. Tương lai, tôi nghĩ TPHCM cũng nên dành những khoản kinh phí nhất định để tu bổ, phục chế cho các di tích đàng hoàng hơn. Có như thế các di tích mới trở thành giá trị, giữ hồn cốt của đô thị.

VOH: Ông có thể đề cập lại một số cá nhân điển hình có ý thức giữ gìn các di tích văn hóa lịch sử của TPHCM, ông có thể liệt kê ra một số cái tên cụ thể?

PGS.TS Trần Văn Ánh: Ví vụ một số hộ dân có nhà cổ số 237 trên đường Nơ Trang Long. Tuy nhiên, do Nhà nước mình ra quyết định chậm quá, thành ra người ta gỡ mất cái mái của biệt thự cổ hơn 2 năm rồi. Cách đây 2 năm, người ta xin phép được trùng tu y như cũ nhưng lúc đó Nhà nước chưa xếp hạng di tích nên  tháo mái ra để đó, bây giờ căn nhà đã bị hư nên buột phải tháo bỏ luôn.

VOH: Những khó khăn mà ông vừa đề cập đặt ra những thách thức ra sao trong việc giữ gìn, phát huy và phát triển các di sản kiến trúc văn hóa đô thị hiện có.

PGS.TS Trần Văn Ánh: Thực ra, chuyện phát huy bây giờ phải có sự trách nhiệm của cộng đồng. Không phải chỉ có một mình Nhà nước hoặc tư nhân mà làm được công việc này, mà cả cộng đồng phải cùng ý thức, làm thế nào để giữ gìn di sản văn hóa đó. Có như thế mới có thể trở thành bản sắc của Thành phố, của đô thị. Không phải cứ xây mới, xây cao lên mới hay. Ở các đô thị khác trên thế giới cũng vậy, người ta luôn giữ lại những công trình kiến trúc, di sản văn hóa cổ. Thách thức lớn nhất, tôi nhắc lại, đó là phải làm sao phát huy trách nhiệm của cả cộng đồng.

Trách nhiệm của Nhà nước là ở việc quản lý, trách nhiệm của người dân, của các đoàn thể xã hội, trách nhiệm của báo chí là phải lên tiếng. Thực ra, bây giờ cũng đã chậm rồi, nhưng chậm còn hơn không. Công việc này phải làm nhanh, cái nào giao tư nhân được thì nên giao tư nhân, cái nào Nhà nước làm được thì làm nhanh lên. Đừng để mọi việc quá muộn.

VOH: Dù đang từng bước được coi trọng hơn trước đây nhưng hiện nay, một số di sản, di tích vẫn bị xâm phạm, phải chăng chúng ta còn chưa mạnh tay với các sai phạm đó dù đã có Luật Di sản?

PGS.TS Trần Văn Ánh: Đúng rồi, thực ra đây là cũng do chúng ta chưa làm mạnh tay. Tôi không biết có phải do sức ép của sự phát triển đô thị làm chúng ta buộc phải xóa bỏ một di tích hay không, cho nên chúng ta luôn mạnh tay đập bỏ di sản văn hóa, kiến trúc để xây dựng cao ốc. Ngay cả khu Trung tâm Thành phố ở quận 1, 3 vốn có nhiều biệt thự cổ, di sản kiến trúc giá trị nhưng cũng đã trở thành cao ốc. Đấy là sức ép của kinh tế thị trường, của sự phát triển đô thị.

VOH: Ông nghĩ sao về việc giải pháp Phát triển du lịch di sản kết hợp với bảo vệ kiến trúc?

PGS.TS Trần Văn Ánh: Đây là điều quá hay. Thực ra, di sản văn hóa đã trở thành một tài sản, tài nguyên du lịch, một sản phẩm du lịch, nếu chúng ta không biết phát huy di sản văn hóa thì du khách có gì để tham quan. Chẳng lẽ hoạt động du lịch chỉ đến các công trình hiện đại không thôi sao? Chính di sản văn hóa mới có ý nghĩa. Ta phải đặt câu hỏi, khách nước ngoài khi đến TPHCM thường phải ghé thăm Bưu điện Trung tâm, Hội trường Thống nhất, Bảo tàng TPHCM…Bởi vì đó là những di sản kiến trúc văn hóa, đó là tài nguyên du lịch. Chúng ta phải biết giữ gìn và làm thế nào gắn di sản đó với đời sống thì mới được.

VOH: Xin cảm ơn ông!

Bình luận