Chờ...

Biến di sản văn hóa thành điểm đến Du lịch - Bài 1: Những di sản bị “bỏ quên”

(VOH) - Với hệ thống tài nguyên vô cùng phong phú, đa dạng, TPHCM được nhiều chuyên gia đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa.

Qua việc kiểm kê tài nguyên du lịch trên địa bàn TPHCM do Sở Du lịch thực hiện mới đây cho thấy, gần 98% tài nguyên du lịch trên địa bàn được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa.

TPHCM cũng có 172 di tích được xếp hạng, đây chính là cơ sở để phát triển những tour du lịch văn hóa nhằm giới thiệu về chiều sâu, về bề dày của một Thành phố có tuổi đời 320 năm - ngót hơn 3 thế kỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, những tour du lịch về vệt di sản văn hóa này được khai thác chưa như kỳ vọng và cần phải có những tính toán cụ thể hơn để phát triển giá trị của các di tích, các tài nguyên du lịch. Hơn hết, các hoạt động này cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị các di sản, di tích trên địa bàn TPHCM.

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, một di tích gắn liền với lịch sử Sài Gòn-Gia Định

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, một di tích gắn liền với lịch sử Sài Gòn-Gia Định

Chưa biết khai thác?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Bộ môn Truyền thông - Trường Đại học Văn hóa TPHCM chỉ rõ: do nhiều nguyên nhân, các di sản ở TPHCM hiện nay, đặc biệt là di sản kiến trúc chưa được coi trọng. Nhiều di sản kiến trúc đang bị sử dụng sai công năng ban đầu của nó. Chính vì vậy, dù sở hữu hệ thống di sản kiến trúc to lớn như vậy nhưng hiện nay, các doanh nghiệp du lịch chỉ khai thác được một số di tích ít ỏi có thể chọn làm điểm đến du lịch của một số tuyến điểm, còn lại phần lớn những công trình kiến trúc giàu giá trị văn hóa vẫn bị bỏ quên.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuấn nêu ví dụ: “Ở góc độ quản lý, chúng ta chưa đủ cơ sở pháp lý hoặc tiếng nói mạnh để bảo vệ các di tích này. Trường hợp Cảng Sài Gòn, Hãng Ba Son là những ví dụ. Và vừa rồi Dinh Thượng thơ là ví dụ điển hình trong việc bảo tồn các di sản văn hóa, công tình kiến trúc. Hoặc công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được quan tâm. Chùa Hội Sơn ở quận 9 hồi năm 2012 bị cháy đã thiêu rụi hoàn toàn công trình kiến trúc nhà rường, nhà cổ như vậy… Đó là những điều đau lòng gây nên sự bức xúc của những người dân Thành phố về các vấn đề kiến trúc của chúng ta.”

Dẫn chứng Thừa Thiên Huế khi xây dựng thành công những chương trình du lịch di sản văn hóa gắn với 2 Lễ hội điển hình là Festival Huế và Festival Làng nghề truyền thống, bà Phan Yến Ly, Trưởng Ban Phát triển sản phẩm - Công ty Du lịch Saigontourist cho rằng, Huế thành công với Con đường di sản không phải vì địa phương này thừa hưởng kho tàng di sản khổng lồ của Cố đô mà vì du lịch Thừa Thiên Huế đã định hướng đúng đắn, kết hợp quản lý khai thác tốt các tài nguyên di sản hiện có để phát huy giá trị lớn nhất, đem lại doanh thu cũng như quảng bá cho nền văn hóa của vùng đất kinh kỳ một thuở. Nhìn lại TPHCM, dù là Thành phố trẻ nhưng với hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất này vẫn có những dấu ấn riêng, hội tụ các dòng chảy văn hóa Đông Tây kim cổ, với kiến trúc vừa hiện đại xen lẫn truyền thống. Nếu biết khai thác, giá trị các di tích sẽ thực sự “sống” trong lòng du khách.

Bà Phan Yến Ly phân tích thêm: “Hiện nay, theo thống kê, khách tham quan chủ yếu vẫn là các di tích lịch sử văn hóa TPHCM. 30% lượng du khách đến TPHCM đều đến các điểm di tích, di sản văn hóa, bảo tàng, các công trình kiến trúc thời thuộc địa…Tuy nhiên, các di tích chưa thực sự sống trong lòng du khách, chưa đưa họ hòa mình vào đời sống của người dân, không giúp du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa hay cùng tham gia lễ hội. Muốn khai thác tiềm năng phát triển du lịch di sản trên địa bàn TPHCM, chúng ta phải cùng nhau đánh thức di sản, tạo cho nó sức sống bằng các hoạt động lễ hội, đồng thời xây dựng các không gian trải nghiệm cho du khách cùng tham gia khám phá, tìm hiểu và học tập”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, với đặc điểm lịch sử của quá trình hình thành và phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, vùng đất này cũng chứa đựng trong nó nhiều di tích khảo cổ học đô thị, có thể được xem là tài nguyên văn hóa du lịch nhưng thời gian qua, cơ quan quản lý dường như bỏ quên nó. Muốn phát huy được giá trị ấy cần phải bảo tồn và khai thác hợp lý, phải có phương thức để dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn với phát triển, tránh để xảy ra những mâu thuẫn giữa 2 vấn đề này.

Chợ Bình Tây, di tích văn hóa của Sài Gòn-TPHCM 320 năm xây dựng và phát triển

Chợ Bình Tây, di tích văn hóa của Sài Gòn-TPHCM 320 năm xây dựng và phát triển

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đề xuất: “Tôi nghĩ rằng, ngành du lịch cũng nên đầu tư chứ không chỉ tập trung khai thác những tài nguyên có sẵn. Điển hình, tại quận 1, còn có 1 dãy nhà cổ ngay tại Bến Chương Dương. Muốn du lịch đường sông thì phải có tuyến điểm cho khách ghé vào. Nên ngoài, đình chùa, nên chăng chúng ta nên đầu tư, cùng với các chủ sở hữu ngôi nhà này biến thành những điểm ăn, quán cafe sang trọng để ngắm nhìn cảnh quan sông nước thì rất đẹp. Bây giờ chỉ kêu gọi tư nhân thôi, tôi e rằng rất khó bởi chính sach đầu tư chưa tạo cho tư nhân họ an tâm đầu tư lâu dài. Nên chăng, các công ty và nhà nước cùng đầu tư có thể biến di sản ven sông thành điểm đến hấp dẫn.”

Kêu gọi đầu tư để phát huy giá trị di sản

Thừa nhận sự thiếu sót, phối hợp chưa chặt chẽ và căn cơ trong việc kết nối hệ thống di sản với hoạt động du lịch, vừa để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc ở TPHCM, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao cho hay, tới đây, 2 đơn vị có động thái tích cực hơn, tham mưu UBND TP đầu tư, mở rộng về chính sách để kêu gọi sự tham gia đầu tư từ nguồn xã hội hóa, từ đó phát huy giá trị các di sản. Trong năm 2019, từ đề xuất và tham mưu của Sở này, việc ghi vốn trùng tu các di tích, di sản trên địa bàn Thành phố cũng sẽ được ưu tiên.

“Đánh giá về việc bảo tồn các di sản trên địa bàn Thành phố, một thời gian dài, công tác quản lý, phát huy các giá trị di sản còn hạn chế nhất định. Nhiều di tích bị xâm hại một cách nghiêm trọng như di tích ở chàu Giác Lâm, Lò Gốm Hưng Lợi quận 8… Đó là những việc mà hiện nay, ngành văn hóa thể thao TPHCM chú trọng, tham mưu UBND TP, kể cả phối hợp với các quận huyện trong việc xử lý đối với những hành vi xâm hại các di tích này. Hướng tới, trong đầu tư để phát huy các giá trị di sản, các Bảo tàng TP. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn ngân sách Thành phố, phải tập trung đầu tư một cách thỏa đáng để trên cơ sở đó, tạo sức mạnh, niềm tin cho các Bảo tàng, các di sản văn hóa phát huy tiềm lực của mình trong quá trình tham gia thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tàng. Trong danh mục của ngành Văn hóa thể thao, đối với việc đầu tư vào các di tích trên địa bàn Thành phố, nguồn vốn để năm 2019, chúng tôi ước 700 tỷ cho khối di sản văn hóa để nâng cấp, trùng tu, bảo tồn các di tích.”

Rõ ràng, cùng với xu thế ngày càng phát triển của thế giới, ngành kinh tế du lịch TPHCM cũng đang trên đà khởi sắc, đóng góp tỷ trọng gần 11% vào cơ cấu GRDP của Thành phố. Du khách đến TPHCM du lịch không chỉ đến để xem, để quan sát, mà đến để cảm nhận và trải nghiệm từng lớp không gian văn hóa khác nhau ở vùng đất đó, những công trình kiến trúc hiện đại và xưa cũ đan xen nhau, để từ đó giúp du khách hiểu biết sâu sắc hơn về chiều sâu và bề dày của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TPHCM. Thực tế này cũng đòi hỏi những nhà làm du lịch của TPHCM phải mạnh dạn sắp xếp, thay đổi tư duy quản lý để khai thác hết các giá trị cốt lõi của di sản.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM khẳng định: “Phát triển, phát huy các di sản văn hóa trong hoạt động du lịch là một trong những việc mà chúng ta đã làm, cần tiếp tục làm mạnh hơn bởi thông qua hoạt động này, những giá trị truyền thống về lịch sử, văn hóa, những giá trị nhân văn của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM tiếp tục được giới thiệu và quảng bá cho bạn bè quốc tế vì có mối quan hệ tương quan mật thiết. Việc phát triển du lịch sẽ tạo nên nguồn lực cho phát triển kinh tế, làm cho các di sản sống động hơn. Sau này, phải liên kết giữa các nhà quản lý để bổ trợ, tăng thêm giá trị của các di sản, các điểm đến. Sự phối hợp này cần phải nhịp nhàng, bởi di sản chỉ mới là tài nguyên du lịch. Chúng ta cần biến di sản thành điểm đến du lịch. Đây là điều quan trọng nhất hiện nay. Rất cần bàn tay phối hợp của nhà quản lý, nhà điều hành tour và Hiệp hội du lịch trong quá trình thực hiện chủ trương này.”

Du lịch và di sản có quan hệ tương tác, gắn bó hữu cơ. Nếu di sản là vốn góp phần làm phong phú, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và giá trị của sản phẩm du lịch thì ngược lại, du lịch góp phần quan trọng để quảng bá di sản, giúp duy trì giá trị của di sản, làm cho di sản trở thành “di sản sống”. Muốn vậy, trước hết sự phát triển du lịch phải góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân và góp phần xây dựng ngân sách địa phương, từ đó, một phần nguồn lợi thu được từ du lịch sẽ được sử dụng hỗ trợ công tác tu bỏ, tôn tào, gìn giữ di sản.

Bình luận