Header-01
Đăng nhập

Bảo vệ quyền học tập của trẻ

(VOH) - Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vì sao Thành phố vẫn quyết định tiếp tục cho học sinh đến trường, chứ không lập tức chuyển trạng thái sang việc học trực tuyến online như trước đây

Vấn đề này đã được cân nhắc cẩn trọng bởi bên cạnh quyền được bảo vệ an toàn, trẻ em cần đảm bảo quyền được học tập, quyền được phát triển làm mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong bài 2 của loạt bài Đưa trẻ trở lại trường với nhan đề Bảo vệ quyền học tập của trẻ sẽ đề cập rõ về chủ trương này. Mời quý vị cùng theo dõi

Cô giáo tiểu học Nguyễn Khánh Tường Linh và lớp 1/2 Trường Tiểu học Trần Khánh Dư, Quận 1 vừa trải qua 1 tuần học tập online bởi người giáo viên này vừa trở thành một F0 dù phòng dịch khá cẩn thận. Bản thân cũng có một số triệu chứng như ho, đau họng, công việc dạy học lại đòi hỏi giáo viên phải nói nhiều, nên tuần học vừa qua cả cô - trò- phụ huynh đều khá vất vả. Các hoạt động học tập hấp dẫn của hình thức online như trò chơi, tương tác trực tuyến gắn với bài học cũng không được triển khai như ở học kỳ 1, mà chỉ tập trung cô đọng kiến thức, hướng dẫn bài tập. Nhưng trên hết, mỗi người hiểu được tình hình khó khăn hiện tại, có sự thông cảm và chia sẻ giữa giáo viên và phụ huynh. "Thực sự quay lại học trực tuyến thì không có hiệu quả. Tình hình học kỳ 1 học trò quay lại cũng nhiều bé chưa đọc rành. Vì vậy, em nghĩ nên tiếp tục đi học trực tiếp. Bé nào cần hỗ trợ, giáo viên sẽ cố gắng giúp thêm", cô Linh cho hay.  

Bài 2: Bảo vệ quyền học tập của trẻ 1Xem toàn màn hình
Một giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình). Ảnh: SGGPO

Không chỉ khó khăn trong lĩnh hội tri thức, sau nhiều tháng không được đến trường cũng làm cho trẻ em nói chung, học sinh nói riêng thiếu hụt nhiều kỹ năng. Chính vì vậy, khi trường mầm non mở cửa đón trẻ, chị Nguyễn Thị Hoàng Trang, ngụ Quận 1 đã cho con gái 3 tuổi trở lại trường. Chị cho biết, mấy tháng dịch, con ở nhà không có bạn bè cùng trang lứa để chơi, tính con lại khá nhút nhát nên các kỹ năng xã hội của con có chiều hướng sút giảm lại. Để tăng cường sức khoẻ phòng dịch, chị tiêm đủ văcxin theo lịch tiêm chủng của con, tăng cường vitamin, vệ sinh tay, mũi họng cho con mỗi ngày. Chị Trang chia sẻ: "Thực ra cũng lo lắng, nhưng mình ưu tiên việc học của con lên hàng đầu. Dịch hiện giờ ở đâu cũng như nhau, nếu ngăn cản việc học của con sẽ rất thiệt thòi cho bé."

Để hỗ trợ học sinh vì lý do phòng chống dịch phải học tập qua internet tại nhà, các trường học cũng linh hoạt chuyển đổi dạy học đồng thời có kế hoạch hỗ trợ cho học sinh. Có trường kết nối lớp học trực tiếp với lớp học trực tuyến cho các học sinh đang cách ly tại nhà, như trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, Quận Tân Bình. Không ít cán bộ quản lý nhà trường cũng đứng lớp dạy học khi nhiều giáo viên trong trường trở thành F0, như trường Trung học phổ thông Tân Phong, Quận 7. Tại trường Tiểu học Trần Khánh Dư, Quận 1,  giáo viên gửi bài tập, bài học, các clip bài giảng đến phụ huynh học sinh, sau đó giáo viên sẽ dành buổi sáng thứ bảy để trực tuyến trao đổi, củng cố bài học cho các em đang phải cách ly tại nhà. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 thông tin thêm: "Để cho các con có điều kiện nhà trường đã linh hoạt chuyển đổi, giảng dạy trên hệ thống LMS trực tuyến."

Bên cạnh việc hỗ trợ học sinh học tập, các đơn vị trường học còn quan tâm đến việc an toàn phòng dịch, bảo vệ sức khoẻ học sinh. Vì vậy, trường Trung học phổ thông Tân Phong, Quận 7 đã sớm lập danh sách 84 học sinh thuộc đối tượng nguy cơ cần phải theo dõi thường xuyên cũng như có sự quan tâm, phòng dịch kỹ lưỡng hơn khi trong lớp, trong trường xuất hiện F0. Mỗi khi có ca nhiễm phát hiện được báo về trường, công tác rà soát, xác định F1 được nhà trường tiến hành, khoanh vùng ngay bất kể sáng sớm hay tối khuya, trên tinh thần ngăn chặn, hạn chế thấp nhất sự lây lan. Ông Trần Công Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Phong cho biết: "Thứ nhất, nhà trường động viên đội ngũ, động viên học sinh, nhờ phụ huynh nhắc nhở các em thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời động viên giáo viên cố gắng giảng dạy, học sinh cố gắng học tập trong bối cảnh tình hình khó khăn như hiện nay. Làm sao đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo vừa giảng dạy đạt hiệu quả cao."

Thực tế việc đón trẻ trở lại trường là một trong những nội dung quan trọng để có thể thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường ứng xử theo hướng linh hoạt, thích ứng an toàn với Covid-19. Học tập cũng là một trong những quyền cơ bản của trẻ em được thế giới, Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Vì vậy, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng các đơn vị cần có sự cảnh giác, an toàn trong phòng chống dịch nhưng đồng thời vẫn đảm bảo tính linh hoạt, để việc dạy học được diễn ra liên tục, hiệu quả, cục bộ hoá tình hình dịch bệnh.  Phó Chủ tịch UBND Thành phố thông tin thêm về lợi ích của việc học tập trực tiếp: "Để cho học sinh của Thành phố được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể. Không để cha các cháu bị ảnh hưởng về mặt kiến thức, nhưng cũng không để ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, khả năng tiếp xúc xã hội. Những tri thức về văn hoá, xã hội đều có vai trò quan trọng ngang nhau, nên khi học sinh đến trường, các cháu sẽ có điều kiện tiếp xúc trao đổi, chia sẻ với bạn bè, thầy cô, người lớn... Khi đó, học sinh có điều kiện phát triển về mặt đức - trí - tâm - thể tốt hơn. Thành phố sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa."

Thực tế, suốt nửa năm trời, học sinh Thành phố và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã quá thiệt thòi khi không có được môi trường học tập, giao lưu cần thiết để phát triển. Đến thời điểm hiện tại việc học tập tại một số nơi vẫn phải rất linh hoạt, nhanh chóng chuyển đổi giữa học tập trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, chủ trương chung vẫn là xây dựng môi trường học tập thuận lợi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Làm sao để quyền được học tập trẻ em được thực hiện, tạo thuận lợi để  phát huy khả năng của trẻ.                                             

Bình luận