Chờ...

Khởi động Dự án Trường học không rác

(VOH) - Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) phối hợp cùng Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance (VZWA)) triển khai Dự án Zero Waste Campus.

Mục tiêu chính của dự án là xây dựng Mô hình Trường học Không rác, áp dụng giải pháp Không rác trong quản lý rác thải trường học, ưu tiên việc Từ chối - Giảm thiểu - Tái sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sản phẩm không cần thiết, hoặc không thể ủ phân hữu cơ.

Chương trình triển khai giai đoạn đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10/2021 tại Cơ sở UEH - Nguyễn Văn Linh.

phân loại rác
Các tình nguyện viên tập kết rác và tiến hành phân loại rác thải tại nguồn (Ảnh: UEH)

TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Hướng đến mô hình “Green University”, Đại học Kinh tế TPHCM đang tích cực hợp tác cùng Liên minh Không rác Việt Nam trong các hoạt động quản lý, giảm thiểu, biến rác thải thành tài nguyên; truyền thông và triển khai lộ trình xây dựng mô hình Trường học Không rác.

Dự án kỳ vọng toàn thể viên chức, sinh viên và các bên liên quan tại Trường nâng cao được nhận thức về các vấn đề rác thải, hiểu và thực hành lối sống Không rác”.

Xem thêm: 12 năm nghiên cứu thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa

Với quan niệm “chỉ tái chế thôi là chưa đủ”, đồng thời tái chế nhựa cũng đang gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người và môi trường, Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance (VZWA)) cho rằng “Thực hành không rác” là giải pháp mang tính bền vững nhất và tạo ra nền kinh tế tuần hoàn cho xã hội. Trong đó, Trường học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người trẻ về việc bảo vệ môi trường.

Đây là tiền đề cho ý tưởng thực hiện dự án UEH - Zero Waste Campus. Dự án nằm trong chiến lược xây dựng mô hình Không rác tại các cộng đồng, thí điểm tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM - Cơ sở Nguyễn Văn Linh với sự hợp tác, tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật từ Liên minh Không rác Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của dự án là ít nhất 70% trên tổng số người được khảo sát sau dự án hiểu thế nào là Không rác; lượng rác thải nói chung đi đến bãi chôn lấp giảm khoảng 40%; lượng rác khó phân hủy (bao gồm nhựa sử dụng một lần, sản phẩm không cần thiết, không thể ủ phân hữu cơ) giảm khoảng 30%; rác hữu cơ được xử lý để trở thành phân vi sinh, rác tái chế được thu gom đưa đến cơ sở tái chế; giảm sử dụng các sản phẩm nhựa không cần thiết, sử dụng một lần hoặc không thể làm phân hữu cơ (compost).

Theo đó, Liên minh Không rác Việt Nam bước đầu đã khảo sát nhận thức sinh viên, đánh giá hiện trạng rác thải tại Cơ sở UEH - Nguyễn Văn Linh và sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động cụ thể theo lộ trình của dự án.

Bình luận