Máy tạo nước từ không khí giành giải Nhất cuộc thi Sáng kiến bảo vệ hành tinh xanh

(VOH) - Nhóm nữ sinh Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring (Hà Nội) vừa giành giải Nhất tại bán kết cuộc thi Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh xanh lần II với chiếc máy tạo ra nước từ không khí.

Vòng Bán kết cuộc thi Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh xanh lần thứ II dành cho các bạn học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam đã được tổ chức vào sáng nay 18/4/2021.

Cuộc thi Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh xanh lần thứ II do Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) phối hợp cùng Đại học Deakin (Australia) tổ chức.

Cuộc thi được phát động từ tháng 12 năm 2020 đến tất cả học sinh đang học tập tại các trường THPT trên lãnh thổ Việt Nam. Sau 2 tháng phát động, vòng sơ loại cuộc thi đã nhận được gần 20 bài thi của các nhóm dự thi gửi về từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ban giám khảo là các giảng viên của trường Đại học Deakin (Úc) và trường Đại học Quốc tế đã chấm và chọn ra 6 đội xuất sắc nhất vào vòng Bán kết.

bảo vệ hành tinh xanh, trường gia định

Nhóm 4D – Trường THPT Gia Định (TPHCM) thuyết trình về bộ máy có thể hút các loại rác trôi nổi trên sông do nhóm chế tạo.

PGS. TS. Trần Tiến Khôi – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Quốc tế cho biết: “3 tiêu chí để đánh giá các đội thi đó là, thứ nhất kiến thức nền về mặt khoa học của các em học sinh; thứ hai là giá trị của giải pháp kỹ thuật về thiết kế, tính khả thi; thứ ba là giải pháp, ý tưởng có phù hợp với địa phương hay không. Ngoài ra, nhóm có mô hình, sản phẩm cụ thể và khả năng thuyết trình tốt bằng tiếng Anh sẽ là yếu tố phụ để cộng điểm cho các nhóm thi".

Tại Vòng Bán kết (vòng thi dành cho các đội của Việt Nam), 06 đội thi lần lượt có 20 phút để trình bày và hỏi đáp bằng tiếng Anh trước Ban giám khảo. Sau đó Ban Giám khảo sẽ chọn ra 3 đội xuất sắc nhất đại diện Việt Nam thi đấu vòng chung kết quốc tế.

Xem thêm: Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CIC – 2021: Mở thêm bảng thi dành cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 12

Các ý tưởng có mặt tại vòng bán kết xoay quanh các vấn đề như: ứng dụng giúp nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác, máy hút rác thải trên sông, tạo nước từ không khí hay biến nước mưa thành nước sạch thông qua hệ thống lọc…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy – Giảng viên Trường Đại học Quốc tế đánh giá: “Các đề tài tham gia cuộc thi năm nay khá thú vị và có tính khả thi. Đặc biệt, các em dù chỉ ở bậc học phổ thông nhưng đã đưa ra được nhiều đề tài với các giải pháp kỹ thuật mang tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng trong tương lai”.

Sleepaholic, hành tinh xanh
Nữ sinh Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring (Hà Nội) giới thiệu về máy tạo nước từ không khí

Kết thúc vòng bán kết, 3 đội đạt kết quả tốt nhất là Sleepaholic với ý tưởng máy tạo nước từ không khí - WinA (Giải Nhất); WECO – ý tưởng phát triển một ứng dụng điện thoại mang tên Wecopia nâng cao nhận thức người dùng về rác thải (Giải Nhì) và Faith and Hope với mô hình cây nhân tạo cho đô thị (Giải Ba).

Sleepaholic là tên nhóm nữ sinh Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring (Hà Nội) – nhóm đã đạt giải Nhất tại vòng bán kết, với máy WinA.

Máy WinA (viết tắt của từ Water in Air) tạo ra nước bằng cách sử dụng các nguyên tắc vật lý: ngưng tụ, quá trình mà hơi nước trở thành chất lỏng ở "điểm sương", tại nhiệt độ đó sự ngưng tụ xảy ra.

Về cơ bản, WinA lấy không khí thông qua một hệ thống hút gió. Sau đó, không khí sẽ được làm lạnh xuống một nhiệt độ nhất định. Trong quá trình đó, các giọt nước sẽ hình thành trên bề mặt của hệ thống làm mát. Cuối cùng, chúng sẽ rơi xuống và đi theo đường dốc trên bề mặt của máy vào một chai nước bên dưới.

Sleepaholic cùng hai đội khác là WECO và Faith and Hope sẽ tham gia Vòng Chung kết Quốc tế cuộc thi dự kiến thi đấu theo hình thức trực tuyến vào giữa tháng 5 năm 2021.

Cuộc thi Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh xanh không chỉ tạo sân chơi cho học sinh, giúp các em củng cố kiến thức về môi trường, thể hiện khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, mà còn giúp truyền cảm hứng, nâng cao ý thức của các bạn trẻ và đưa ra các giải pháp hữu ích thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.

Bình luận