Chờ...

Nhà khoa học nản lòng… bởi thủ tục

(VOH) - Ở các nước tiên tiến, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam, giảng viên, nhà khoa học lấy hoạt động nghiên cứu làm nguồn thu chủ yếu.

Ngược lại, các trường đại học ở Việt Nam, việc dạy học vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Trong những năm gần đây, chủ trương áp dụng cơ chế tự chủ của Chính phủ đối với các trường đã thúc đẩy các cơ sở giáo dục bậc cao này tiệm cận với cơ chế thị trường.

Các trường phải quan tâm đến việc tạo được các sản phẩm, dịch vụ tốt cho thị trường từ nguồn lực sẵn có.

Vấn đề này được các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bài học từ các nước, hiện trạng và đề xuất mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học diễn ra chiều ngày 20/7.

Sự kiện do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - gọi tắt SIHUB tổ chức, nhằm kết nối, hỗ trợ nhà nghiên cứu tại các trường, viện; đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, hội thảo đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm và mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc, Đức, Úc… Qua đó cung cấp cái nhìn đầy đủ về hiện trạng hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, chính sách, lỗ hổng, rào cản khiến cho việc đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường gặp khó khăn, đồng thời giới thiệu và đề xuất một số mô hình nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu phù hợp với quy mô các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TPHCM), quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học – doanh nghiệp đang là vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế, là vấn đề cấp thiết trong phát triển nghiên cứu khoa học.

Chỉ ra các nguyên nhân, Thạc sĩ Huyền Trang cho rằng, về phía trường đại học thì việc triển khai cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ trong các viện, trường còn nhiều bấp cập, chưa đạt yêu cầu. Nhiều trường chưa thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ hoặc có nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.

Trường đại học cũng thiếu những công trình, sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao. Đặc biệt, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tâm lý nản lòng bởi các quy định.

Thạc sĩ Huyền Trang cho biết: “Trong việc công bố kết quả nghiên cứu, đa số các nhà khoa học lựa chọn hướng công bố bài báo hơn là lựa chọn thực hiện việc đăng ký sáng chế. Khi tài sản trí tuệ được phát sinh rồi, thì việc thực hiện quy trình, các thủ tục để chuyển giao, đúng là có các yếu tố nhà nước, yếu tố thủ tục còn khó khăn rất nhiều dẫn đến nhà khoa học nản lòng”.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB chia sẻ tại hội thảo

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB chia sẻ bài học từ các nước về các mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Một số mô hình tiêu biểu mà ông đề cập đến như: Mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ; Mô hình vườn ươm doanh nghiệp; Mô hình công ty đại diện; Mô hình công ty cổ phần.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, mô hình công ty đại diện chuyển giao công nghệ của trường đại học có thể thay thế hoàn toàn vai trò của trung tâm chuyển giao công nghệ tại một số trường đại học. Mô hình công ty này cũng có thể đảm nhận vai trò của vườm ươm công nghệ trong việc hỗ trợ thành lập các start-up và spin-off.

Trong trường hợp trường đại học đã có mô hình trung tâm chuyển giao và vườn ươm công nghệ thì vai trò chuyển giao của công ty tập trung ở khâu thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của các trường đó là “luật pháp Việt Nam vẫn chưa cho phép các trường đại học được đầu tư tài chính. Trên thế giới, phần đầu tư tài chính mới là phần chính. Tức là, tài sản của nhà trường của các nguồn khi đầu tư xong thì tạo ra tài sản. Tài sản đó được bàn giao cho công ty quản lý. Công ty quản lý tài sản đó có các hướng là phát triển thành các start-up, spin-off… Dù ở góc độ nào cũng sẽ hình thành các vấn đề về tài chính, vì vậy bắt buộc phải hướng đến chức năng đầu tư tài chính”.

Tại hội thảo, SIHUB cũng đã ký kết hợp tác triển khai hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với nhiều đối tác như Tổ chức Ươm tạo doanh nghiệp Hàn Quốc, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định…

SIHUB, ký kết hợp tác

SIHUB ký kết hợp tác với trường, viện nhằm triển khai các hoạt động đổi mới, sáng tạo.

“Nâng cao hiệu quả Nghiên cứu khoa học trong sinh viên” đạt giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2020 - Sáng 21/3, Thành Đoàn TPHCM tuyên dương và trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2020 cho hệ thống giải pháp “Nâng cao hiệu quả Nghiên cứu khoa học trong sinh viên” của Đoàn trường Đại học KHTN.

Nghiên cứu khoa học - niềm say mê của bác sĩ trẻ! - Thời sự 17g00 27/02/2020 - Nghề y là nghề cao quý, thầy thuốc là những người rất xứng đáng và cần được tôn vinh.

Bình luận