Chờ...

Nhiều kiến nghị, giải pháp để học trực tiếp an toàn

(VOH) - Trường phải có kế hoạch rất cụ thể đến từng lớp học, từng giáo viên, làm sao xác định được những khu vực, phạm vi hoạt động của học sinh để khoanh vùng, xử lý một cách cụ thể, quy mô nhỏ nhất.

Sáng 17/12, Sở Giáo dục và Đào tạo họp giao ban công tác triển khai các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19; Nhiều kiến nghị, cũng như giải pháp được các đơn vị trường học đưa ra để công tác đón học sinh trở lại trường được an toàn.

Học sinh đi học trực tiếp đến trường
Học sinh đi học trực tiếp đến trường. Ảnh minh họa

Sau tuần đầu tiên triển khai thí điểm công tác đón học sinh trở lại trường, các đơn vị bắt đầu ghi nhận ca F0 với 2 tình trạng: F0 phát hiện tại trường và F0 phát hiện tại gia đình.

Theo báo cáo của các đơn vị, đối với F0 phát hiện tại nhà thì quy trình xử lý F0 khá thuận lợi nhưng việc xử lý F1 khá vất vả. Thực hiện theo hướng dẫn xử lý, các F1 như học sinh cùng lớp sẽ lên trường để làm xét nghiệm. Cô Trần Thị Hồng Thuỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết đặc thù nhà trường học sinh từ các quận huyện khác được xe đưa rước đến trường mỗi ngày. Việc huy động các học sinh F1 lên trường đi trên những chuyến xe như vậy có thể làm phát sinh thêm nguy cơ. Dù hiên nay phần lớn các cơ sở giáo dục đều chuẩn bị một số lượng kit xét nghiệm nhất định, nhưng về lâu dài nhất là khi các khối lớp khác cùng trở lại trường các trường rất cần sự hỗ trợ:

"Thời gian ngắn thì không sao, nhưng nếu lâu dài, tuần nào, tháng nào cũng có trường hợp F0, số lượng F1 tăng dần lên nhà trường khó đảm bảo được kinh phí cho các trang thiết bị đó. Cho nên rất mong ngân sách hỗ trợ." Cô Trần Thị Hồng Thuỷ cho biết.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, Quận 5 cho biết tỷ lệ học viên trở lại học tập trực tiếp của trường tuần đầu tiên đạt trên 95%. Để đảm bảo vừa an toàn phòng dịch vừa dạy học hiệu quả, Trung tâm dành một phòng để giáo viên thuộc trường hợp F0, F1 đang cách ly tại nhà dạy học cho học sinh và 1 phòng dành dạy học trực tuyến cho các học sinh thuộc diện F0, F1 học tập tại nhà. Cụ thể, khi giáo viên thuộc diện F0, F1 phải cách ly tại nhà, đến tiết học của giáo viên đó học sinh sẽ di chuyển đến phòng dạy trực tuyến. Giáo viên sẽ dạy trực tuyến tiết học đó cho các em. Các tiết học còn lại vẫn học trực tiếp bình thường. Ngược lại, với các trường hợp học sinh F0 hoặc phụ huynh chưa yên tâm cho con đến trường, trường sẽ bố trí cho các em theo học theo thời khoá biểu của lớp riêng. Lớp học đó có camera trực tiếp, học sinh sẽ theo dõi giờ học trên lớp đang diễn ra tại nhà. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An cũng cho rằng sẽ có nhiều khó khăn khi học viên của tất cả các khối lớp cùng trở lại trường:

"Chúng tôi chỉ băn khoăn một chỗ, nếu toàn thành phố triển khai học sinh các khối 10-11-12 học tập trực tiếp, về điều kiện cơ sở vật chất thì khó khăn. Hiện tại Trung tâm có các phòng lớn chúng tôi chia ra mỗi học sinh ngồi 1 bàn nhưng nếu học sinh trở lại các khối, việc đảm bảo khoảng cách mỗi học sinh 1 bàn còn khó khăn. Vì vậy, tôi có đề xuất nếu học cả trường cần phải có điều chỉnh nội dung trong bộ tiêu chí nếu không điều kiện vật chất các đơn vị khó đáp ứng. Trung tâm cũng đã tính các giải pháp học 2-4-6 học 3-5-7, chia khối sáng - chiều nhưng vẫn không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng", ông Đỗ Minh Hoàng nói

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng dù phát hiện F0 ở trường hay tại nhà thì quy trình xử lý các F1 đều như nhau. Các trường triển khai công tác vận động học sinh lên trường làm xét nghiệm toàn bộ đối tượng F1. Các quy định phòng chống dịch, lộ trình vào trường, khu vực tổ chức xét nghiệm cần được thực hiện chặt chẽ hơn với các trường hợp này. Ngoài ra, các trường cố gắng đảm bảo nguyên tắc học sinh các lớp không giao lưu với nhau và giữ khoảng cách. Tuy nhiên, khuyến khích cho học sinh xuống sân, ở khoảng sân riêng để các em thư giãn, không cảm thấy tù tùng, để việc dạy và học trở thành bình thường nhất có thể.

Ông Lê Duy Tân, Trường phòng Giáo dục trung học, cho rằng các trường cần nỗ lực, dốc hết sức để 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp có thể làm cơ sở thuận lợi cho việc triển khai ở các tuần tiếp theo. Các cơ sở giáo dục tuỳ đặc điểm trường lớp, linh hoạt tổ chức các hoạt động của học sinh:

"Hiệu trưởng có thể quán triệt với giáo viên bộ môn trước khi dạy dành vài phút giáo viên bộ môn nhắc học sinh về tinh thần phối hợp phòng chống dịch. Hoặc, nhà trường có thể sắp xếp cho dã phòng học này ra chơi trước 5 phút rồi đến dãy phòng khác. Về mặt chuyên môn, có thể hỗ trợ phòng chống dịch ở chổ này", ông Lê Duy Tân nói.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý huyện Củ Chi cần sớm có kế hoạch cụ thể về việc đón học sinh trở lại trường. Ngoài ra, địa phương này cùng với quận Gò Vấp, Thành phố Thủ Đức còn nhiều cơ sở trường học đang sử dụng phòng chống dịch, phòng giáo dục và đào tạo cần làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch để sớm có kế hoạch thu hồi, sẵn sàng kế hoạch cho các khối khác đi học. Nhà trường cần truyền thông với giáo viên, phụ huynh và học sinh trong công tác phối hợp phòng chống dịch. Xác định rõ các trường hợp hôm nay đi học ngày mai vắng, F1, xây dựng nội dung biến động học sinh trong nhà trường. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: "Lãnh đạo nhà trường phải có những kế hoạch rất cụ thể đến từng đơn vị lớp học, từng giáo viên để hướng dẫn cho học sinh. Làm sao khi xảy ra vấn đề, nhà trường xác định được những khu vực, phạm vi hoạt động của học sinh để khoanh vùng, xử lý một cách cụ thể, quy mô nhỏ nhất".

Tại hội nghị, một số đơn vị cũng chia sẻ về giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh nội trú, bằng cách thực hiện test định kỳ ngẫu nhiên cho học sinh và test hàng tuần cho nhân viên nhà ăn, y tế, tạp vụ...

Bình luận