Chờ...

Phải quan tâm nguồn lực con người trong xây dựng trường học thông minh

(VOH) - Sáng nay (20/12), tại Hội thảo Giáo dục thông minh do UBND TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng phải quan tâm nguồn lực con người trong xây dựng trường học thông minh.

Tại hội thảo, chuyên gia giáo dục quốc tế cho rằng, giáo dục thông minh nhìn chung phải đáp ứng 3 yếu tố.

Thứ nhất, là nền giáo dục được trang bị các thiết bị và phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các giải pháp đồng bộ trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Thứ hai, nền giáo dục được kết nối Internet và học tập trực tuyến, trực tiếp tới các nguồn học liệu điện tử tiêu chuẩn quốc tế. Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh có môi trường tương tác để quản lý, giảng dạy và học tập thuận lợi.

Trường THCS Phan Văn Trị, trường học thông minh

Các đại biểu tham quan mô hình quản lý trường học thông minh của Trường THCS Phan Văn Trị

Thời gian qua, mô hình trường học thông minh được triển khai tại một số trường học trên địa bàn TPHCM từ phổ thông cho đến các trường cao đẳng đại học ở nhiều khía cạnh khác nhau mang lại nhiều lợi ích.

Một số điển hình như: mô hình đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chương trình học ở trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong - Quận 5; xây dựng hệ thống đánh giá quá trình học tập của sinh viên qua smartphone của trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng; triển khai mô hình giáo dục STEM tại trường Trung học cơ sở Phan Tây Hồ - Quận Gò Vấp... Qua đó, giúp học sinh hiểu biết, chủ động thích ứng với yêu cầu của thời đại cách mạng 4.0.

Học sinh Ngô Nguyễn Yến Như, lớp 12 Tích hợp, Trường Lê Hồng Phong chia sẻ: "Qua lớp học về AI, em nhận ra thời đại 4.0 công nghệ ngày càng phát triển, con người cần làm sao để cân bằng giữa máy móc và con người. Con người có nhiệm vụ quản lý và điều tiết được máy móc, nó cần làm những gì, đồng thời đặt ra mức hạn chế nhất định cho máy móc".

Sắp tới, khi Trung tâm Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh được triển khai, ngoài khả năng kết nối phân tích dữ liệu lớn, còn giúp phát hiện dự báo nhanh chóng những tình huống khẩn cấp như ngộ độc thực phẩm, bạo lực học đường...

Thông qua hệ thống camera trí tuệ nhân tạo sẽ nhận diện, phát hiện và báo ngay lên trung tâm, đến lãnh đạo ngành các sự vụ để có hướng xử lý nhanh chóng kịp thời. Bên cạnh đó, còn cung cấp nhiều tiện ích trong công tác quản lý, dự báo...

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, xây dựng trường học thông minh phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, tránh để công nghệ dẫn dắt nền giáo dục. Thay vào đó, phải để công nghệ hỗ trợ, giúp đạt được mục tiêu giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền, Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Phương pháp dạy và học đại học - CEE Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cho rằng: "Khi chúng ta xây dựng bất kỳ nền tảng thông minh nào, cơ sở hạ tầng tốt như thế nào nhưng con người triển khai không đúng thì hệ thống đó cũng không thể khai thác hiệu quả. Vì vậy, làm sao phải có được sự sẵn sàng của các bên liên quan khi chuyển đổi theo nền giáo dục thông minh. Cả lãnh đạo quản lý, cả những người tham gia trực tiếp như giáo viên, người học... cũng phải có sự sẵn sàng để khai thác và sử dụng hiệu quả".

Thành phố đang tập trung triển khai các bước để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh. Chính vì vậy, việc định hướng trong xây dựng giáo dục thông minh với những giải pháp và bước đi cụ thể là nhiệm vụ quan trọng của thành phố.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố: "Muốn thực hiện không chỉ hô hào mà cần phải có nguồn lực về con người, về tài chính. Chúng ta phải có sự hợp tác, rút kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, các chuyên gia...

Dù trang thiết bị có hiện đại như thế nào mà không có con người, không có kỹ năng sử dụng thì cũng không hiệu quả. Vì vậy, vấn đề đào tạo, gắn với đầu tư trang thiết bị là vấn đề quan tâm hàng đầu". 

Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM dành 40% học bổng toàn khóa cho các ngành học xu hướng - Năm 2020, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) dự kiến thực hiện đồng thời 4 phương thức xét tuyển với 2.565 chỉ tiêu cho 22 ngành đào tạo.

Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long dự kiến tuyển sinh từ năm 2020 - Phân hiệu của Trường tại Vĩnh Long đào tạo các ngành Kinh tế và Kinh doanh nông nghiệp, Công nghệ tích hợp với kinh tế kinh doanh, Quản lý công,  Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Kinh ...

Bình luận