Chờ...

Phòng tránh ngủ gật khi lái xe ô tô

(VOH) - Ngủ gật là một kẻ thù nguy hiểm đối với người lái xe, nhất là đối với lái xe đường dài. Theo Cục Quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), 20% các vụ tai nạn và 12% các vụ "suýt tai nạn" là do tài xế ngủ gật khi lái xe.

Khi buồn ngủ phản xạ lái xe chậm hơn, mọi sự tập trung ở não sẽ giảm đi rất nhiều khiến cho việc xử lý thông tin chậm và nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn. (Ảnh: Science Vibe)

Nguyên nhân khiến tài xế ngủ gật

Tài xế ngủ gật vì… buồn ngủ. Tất nhiên là như thế, tuy nhiên dưới đây là một số nguyên nhân sâu xa gây ra trạng thái ngủ gật ở tài xế:

- Uống các loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ: Thuốc chống nôn, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng sinh histamin (điều trị các chứng bệnh hắt hơi, sổ mũi, đau họng), thuốc giãn cơ và an thần…

Việc dùng thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ khiến các tài xế dễ chìm vào giấc ngủ dài, ảnh hưởng đến quá trình lái xe. Do đó, nếu bắt buộc phải dùng thuốc các tài xế hãy yêu cầu bác sĩ kê đơn các loại thuốc không gây buồn ngủ.

- Lái xe vào khung giờ “buồn ngủ”: Khoảng thời gian từ 1-5 giờ sáng hay từ 13-15 giờ chiều, đặc biệt là sau bữa cơm trưa, cơ thể thường có cảm giác muốn ngủ.

- Tài xế thiếu ngủ: tài xế có thể rơi vào trạng thái ngủ gật sau một đêm ngủ ít hơn bình thường hoặc sau khi hoạt động quá sức: tan ca làm việc đêm, làm việc nặng trong thời gian dài…

- Tài xế lái xe đường dài: Các tài xế lái xe đường dài, với đường thẳng và vắng (thường là trên đường cao tốc) thường có nguy cơ buồn ngủ cao hơn.

- Uống rượu, bia: Giảm 20%-30% phản xạ, giảm khả năng quan sát, lái xe liều lĩnh hơn…

Phòng tránh buồn ngủ

Trước khi lái xe đường trường nên ngủ đủ giấc, ít nhất là 6 tiếng hoặc hơn.

Không nên làm việc cả ngày rồi lái xe cả đêm.

Nên tranh thủ lái xe những lúc bạn tỉnh táo và nghỉ đêm thay vì lái thông cả ngày lẫn đêm.

Nên tránh lái xe vào những thời điểm dễ gây buồn ngủ như giữa trưa và từ giữa đêm đến sáng.

Nếu không thể ngủ những thời điểm đó thì hãy tạm dừng vài phút và nghỉ ngơi.

Nên tránh ăn các thức ăn nhiều chất carbohydrate nên ăn các thức ăn giàu protein.

Nên tránh sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ như thuốc chống dị ứng, thuốc cảm cúm khi định lái xe.

Khi lái xe đường trường một mình nên vặn to đài, thỉnh thoảng thay đổi chương trình để chống lại cơn buồn ngủ.

Xử lý khi có cảm giác buồn ngủ

Khi tài xế ngáp liên tục, cảm thấy khó tập trung hoặc mở mắt một cách tỉnh táo và khi suýt đâm vào cái gì đó, lời khuyên chung dành cho cánh tài xế lúc này là tắt máy, dừng xe để chợp mắt 10-15 phút. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, không nên dừng xe ở lề đường hay làn khẩn cấp trên đường cao tốc hoặc những chỗ vắng vẻ. Trạm xăng hay trạm dừng trên đường là những chỗ để tài xế chợp mắt an toàn nhất.

- Các tài xế khi cảm thấy buồn ngủ có thể dừng xe, đi bộ quanh xe 5-10 vòng, vận động cơ thể để lấy lại sự tỉnh táo.

- Mở cửa sổ lấy thêm dưỡng khí, nghe nhạc và hát theo, nhai kẹo cao su cũng là một cách giúp bạn tỉnh táo hơn.

- Uống cà phê, nước trà đặc hoặc nước tăng lực sẽ giúp tài xế tỉnh táo hơn, tuy nhiên, khoảng 30 phút sau khi uống chúng mới có hiệu quả.

- Với những chuyến đi dài, hay cố gắng thay đổi tầm nhìn thường xuyên để giúp mắt không bị mỏi, tránh nhìn quá lâu vào một điểm cố định; Cũng có thể đổi tài để đảm bảo an toàn. 

Chương trình "Trò chuyện cùng Bác tài" được phát sóng từ 9 giờ 5 phút đến 9 giờ 30 ngày thứ Ba hàng tuần, trên sóng FM 99.9MHz. Số điện thoại tham gia giao lưu trực tiếp: (08) 3910 4866.
Bình luận