Header-01
Đăng nhập

Thanh niên khởi nghiệp, còn thiếu và yếu gì?

VOH - Các phong trào sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp trong giới trẻ đã và đang phát triển mạnh mẽ nhưng thực tế - khởi nghiệp là hành trình dài và thành công không đến dễ dàng.

Nhiều phong trào sáng tạo, khởi nghiệp được tổ chức trong thời gian qua đã giúp rất nhiều sinh viên, thanh niên có cơ hội học hỏi, trải nghiệm và biến ý tưởng của mình thành sản phẩm có giá trị cho xã hội.

Tuy nhiên, từ ý tưởng ban đầu đến tạo ra sản phẩm, thương mại hóa là chặng đường dài đòi hỏi sinh viên, thanh niên không ngừng học hỏi và kiên trì tới cùng.

Đa dạng phong trào khởi nghiệp

Những năm gần đây, nhiều cuộc thi được tổ chức bài bản nhằm giúp những cá nhân/nhóm khởi nghiệp có cơ hội thử sức chính mình, chẳng hạn như Startup Wheel, CIC, SV- STARTUP...

Tại các trường đại học, hoạt động này cũng diễn ra sôi nổi với nhiều cuộc thi như Bach Khoa Innovation (trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM), Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (trường Đại học Nguyễn Tất Thành), HUTECH Startup Wings (trường Đại học Công nghệ TPHCM)…

ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp của trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, các cuộc thi về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học của vinh viên, tạo điều kiện để sinh viên kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các dự án tiềm năng gặp gỡ, tiếp cận các nhà đầu tư, từ đó tìm kiếm, lựa chọn các ý tưởng sáng tạo và dự án có tính mới, khả thi để hỗ trợ, ươm tạo.

Từ cuộc thi khởi nghiệp của trường, nhiều dự án đã được chọn tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo – và đạt thành tích cao, trong đó, có không ít dự án đã được chuyển giao cho doanh nghiệp.

ThS. Huỳnh Hồng MaiXem toàn màn hình
ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp của trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong một buổi chia sẻ với sinh viên về khởi nghiệp - Ảnh: HL

Tương tự, Bach Khoa Innovation là cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức từ năm 2018. Với sự đồng hành của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM, cuộc thi dần được mở rộng cho học sinh, sinh viên toàn thành phố và các tỉnh thành lân cận.

Bach Khoa Innovation qua 5 năm tổ chức, đã thu hút 280 đội với khoảng 1.000 sinh viên đến từ 15 trường đại học trên toàn TP tham gia. Bên cạnh đó, khoảng 20 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng liên tục đồng hành cùng cuộc thi nhằm hỗ trợ nguồn lực ươm mầm tài năng trẻ.

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa đánh giá, Bach khoa Innovation và các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp là bước chạy đà cho sinh viên trước khi gia nhập thị trường lao động. Bởi tại cuộc thi, sinh viên sẽ được thỏa sức sáng tạo, được hỗ trợ kiến thức (sở hữu trí tuệ, lập kế hoạch kinh doanh, quản lý dự án...), kỹ năng viết và thuyết trình dự án bằng tiếng Anh cũng như trải nghiệm thực tế qua các chuyến tham quan doanh nghiệp.

TS. Võ Thanh Hằng, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Xanh Bách khoa cho biết, nhiều dự án khởi nghiệp sinh viên sau các cuộc thi đã được hỗ trợ từng bước để khởi nghiệp. Chẳng hạn như, dự án trà túi lọc từ hạt của cây lục lạc lá ổi dài Assamica đang được Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM tiếp tục ươm tạo, hướng đến thành lập doanh nghiệp phát triển sản phẩm này.

Trà an thần giải lo âu
Nhóm sinh viên nghiên cứu “Trà an thần giải lo âu Assamica” và giảng viên hướng dẫn Võ Thanh Hằng.

Một ví dụ khác là dự án 'Ứng dụng tối ưu hóa hoạt động logistics thu gom rác thải hữu cơ'. Người dân/nhà hàng/khách sạn chỉ cần truy cập vào tài khoản web, nhập mã khách hàng, khối lượng rác thì sẽ có xe tới chở rác đến nhà máy tái chế và sản xuất phân bón.

Người cho rác hữu cơ sẽ có lợi khi có thêm một khoản tiền, số lượng rác đó cũng không tốn chi phi vận chuyển, chôn lấp gây ra ô nhiễm môi trường. Nhóm đã triển khai ứng dụng trên địa bàn huyện Củ Chi và hiện đang thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

TS Võ Thanh Hằng đánh giá, những ý tưởng tham dự cuộc thi thường xuất phát từ băn khoăn của học sinh, sinh viên trước một vấn đề nào đó như môi trường, y tế, khoa học-kỹ thuật... Cùng với kiến thức tích lũy trong quá trình học, quá trình dự thi, các sinh viên sẽ hiện thực hóa được ý tưởng mang lại không chỉ giá trị kinh tế mà còn cả những lợi ích cho cộng đồng.

Sinh viên sáng tạo khởi nghiệp còn “vướng” gì?

Có thể thấy, các phong trào khởi nghiệp thời gian qua đã tạo ra một sân chơi trí tuệ, từng bước lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tiên phong đổi mới cho đông đảo học sinh, sinh viên, hướng người trẻ tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo chung của thành phố, của đất nước.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện số sinh viên đi được đến cùng với dự án khởi nghiệp của mình không nhiều bởi thiếu nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tài năng, cơ hội, thời điểm và may mắn.

Ngoài ra, theo ThS. Huỳnh Hồng Mai, hạn chế của sinh viên khi đưa ra ý tưởng khởi nghiệp đó là, chưa tính toán được lộ trình để phát triển từ ý tưởng đến sản xuất sản phẩm mẫu, thử nghiệm bán hàng. Một số trường hợp tạo ra được sản phẩm thì yếu trong khâu phân phối, bán hàng.

Theo theo ThS. Huỳnh Hồng Mai: “Nhiều bạn nghĩ đơn giản là chỉ cần bán online, tuy nhiên, điều này khó thành công do các bạn thiếu hẳn khâu ‘trải nghiệm khách hàng’ – đó là đưa sản phẩm tới tận khách hàng, cho họ trải nghiệm sản phẩm và góp ý, từ đó điều chỉnh sản phẩm hoàn thiện và phù hợp hơn…”.

Thiếu vốn đầu tư cũng là một vấn đề khiến nhiều dự án của sinh viên khó triển khai. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề trên thường được các trường đại học hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu, sản xuất thử trong các phòng lab, hỗ trợ làm bao bì sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký thương hiệu… Thậm chí là kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng để sinh viên tiếp tục phát triển sản phẩm, hướng tới chuyển giao công nghệ hoặc mở doanh nghiệp sản xuất.

Thanh niên khởi nghiệp, còn thiếu và yếu gì? 3
TS. Vũ Văn Hoàng (ngoài cùng bên trái) trao giải cho nhóm sinh viên đạt giải nhất cuộc thi HUTECH Startup Wings.

TS. Vũ Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh hóa phía Nam, Tổng Giám đốc – Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Đại Việt – người từng nhiều lần làm giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp HUTECH Startup Wings lại cho rằng, điều khiến việc khởi nghiệp của các bạn trẻ trở nên khó khăn là thiếu khả năng hoạch định tài chính và marketing sản phẩm. Đa phần các dự án có ý tưởng rất tốt nhưng không có khả năng tính toán về chi phí, giá thành sản phẩm nên không triển khai được.

Khả năng về marketing sản phẩm cũng là một vấn đề lớn. Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên thường suy nghĩ đơn giản là truyền thông sản phẩm trên các kênh miễn phí có sẵn, tuy nhiên do ai cũng có suy nghĩ đó nên tỷ lệ thành công rất thấp. Ngoài ra, thời gian cũng là vấn đề vì đa phần thời gian của các bạn là học, một nhà đầu tư khi đầu tư vốn sẽ yêu cầu ngược lại sinh viên phải đáp ứng về thời gian và sức lực dành cho khoản đầu tư của họ và sinh viên thường không đáp ứng được.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Thanh Hằng cho biết, sau các cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo, các nhóm sinh viên thường “rã nhóm” để tập trung cho việc học tập. Do đó, việc tiếp tục phát triển các dự án trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, theo TS. Võ Thanh Hằng, để tiếp tục phát triển dự án khởi nghiệp sau cuộc thi, bản thân sinh viên cần tập trung nguồn lực rất nhiều để viết dự án kêu gọi đầu tư một cách hoàn chỉnh. Điều này dẫn đến việc sinh viên phải học hỏi, tìm hiểu thêm rất nhiều về kiến thức thị trường, kinh doanh, quản trị, marketing…, cùng với đó là đầu tư thời gian nghiên cứu, khả năng tự học cực tốt…

Nếu không đủ kiên trì, không được đồng hành, hỗ trợ, dự án của sinh viên sẽ rất khó hiện thực hóa và đi vào cuộc sống - TS. Võ Thanh Hằng nhận định.

Bình luận