Thức ăn nhanh nguy hiểm như một căn bệnh ?

(VOH) - Theo một nghiên cứu mới đây, việc ăn các loại thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt (Hamburger) và khoai tây chiên có thể nguy hiểm như mắc phải một căn bệnh đe dọa đến tính mạng.

Các nhà khoa học tại Đại học Bonn (một đại học hàng đầu của Đức) phát hiện ra thức ăn nhanh làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bị xáo trộn, tương tự như cơ thể chúng ta đang bị tấn công bởi một căn bệnh nghiêm trọng nào đó.

Chế độ ăn thức ăn nhanh (fastfood) làm cho các tế bào miễn dịch trở nên "hung hăng" hơn, làm tăng khả năng mắc phải các bệnh nặng - ảnh hưởng này có thể kéo dài dù sau đó người đó đã chuyển sang ăn kiêng trái cây và rau quả.

Thức ăn nhanh nguy hiểm như một căn bệnh ?

Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện này giải thích mối liên hệ giữa thức ăn nhanh và sự vững chắc của thành mạch máu bởi các chất đọng trên thành mạch chủ yếu là lipid (mỡ).

Theo nhà nghiên cứu Eicke Latz, gần đây giới khoa học mới phát hiện hệ thống miễn dịch bẩm sinh của con người có “bộ nhớ". Sau khi một người bị nhiễm trùng thì cơ chế phòng vệ của cơ thể vẫn ở trạng thái báo động, do đó cơ chế phòng vệ có thể phản ứng nhanh, nhạy hơn với một cuộc tấn công mới.

Thức ăn nhanh thường có nhiều chất béo, đường và natri. Trên thực tế, nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy, chế độ ăn uống không hợp lý có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Việc tiêu thụ 100 gram đường có thể làm giảm khả năng tiêu diệt các vi sinh vật gây hại của bạch cầu.

Đối với nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu thí nghiệm trên cả chuột và người. Họ cho chuột ăn kiêng kiểu “phương Tây” với việc dùng nhiều chất béo, đường và ít chất xơ. Họ phát hiện ra chuột đã có phản ứng viêm mạnh trên toàn thân.  

Tiến sĩ Anette Christ giải thích, chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng dẫn đến sự gia tăng bất ngờ về số lượng tế bào miễn dịch trong máu của chuột, đặc biệt là bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân.

Lúc này cơ thể chúng lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng "chiến đấu". 

Ở một số đối tượng người, các nhà nghiên cứu cũng chứng minh, tình trạng tương tự.

Giáo sư Latz giải thích: "Các viêm nhiễm làm thay đổi chức năng của gen. Hệ thống miễn dịch do đó phản ứng mạnh mẽ hơn ngay cả với các kích ứng nhỏ khi có tình trạng viêm nhiễm".

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng thực phẩm ăn nhanh là nguyên nhân làm thay đổi các phân tử di truyền ADN.

Cơ chế phòng vệ của cơ thể với tình trạng viêm này sẽ kích hoạt tế bào miễn dịch (bạch cầu) di chuyển đến các thành mạch máu. Khi chúng quá lớn, chúng có thể bị vỡ, hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ đau tim hoặc gây ra đột quị.

Giáo sư Latz khuyến cáo một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cần phải được hướng dẫn cho mọi người, đặc biệt với trẻ em để mỗi người ý thức về chế độ  kiêng ăn như thế nào cho hợp lý.

Bình luận