Chờ...

TPHCM: Đề xuất không tổ chức khai giảng, bắt đầu năm học mới qua internet

(VOH) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có tờ trình gửi UBND Thành phố về phương án và kế hoạch thời gian năm học đối vời giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất Thành phố sẽ không tổ chức tựu trường, khai giảng.

Các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ bắt đầu tổ chức dạy học năm học mới 2021-2022 trên môi trường  internet với thời điểm cụ thể như sau:

TPHCM: Đề xuất không tổ chức tựu trường, khai giảng, bắt đầu dạy học năm học mới qua internet 1
TPHCM: Đề xuất bắt đầu dạy học năm học mới qua internet. Ảnh minh họa

Giáo dục Trung học (gồm THCS và THPT kể cả GDTX): từ ngày 1 đến 5/9 sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 6/9 sẽ giảng dạy theo chương trình năm học mới.

Giáo dục Tiểu học: Từ ngày 8 đến 19/9 tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 20/9 sẽ giảng dạy theo chương trình năm học mới.

Giáo dục Mầm non: sẽ khai giảng chậm hơn, khi tình hình dịch được kiểm soát, học sinh có thể  đến trường

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất 3 phương án tổ chức dạy - học đối với các trường. Cụ thể:

Phương án 1: Dịch bệnh Covid-19 khống chế tốt, đến ngày 15/9 được kiểm soát, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch, được bàn giao từng bước cho Ngành Giáo dục. Các trường tổ chức dạy- học trên môi trường internet trong thời gian đầu năm học (khoảng 4-6 tuần).

Riêng lớp 1, sẽ xây dựng các đoạn phim bài giảng và đưa lên môi trường internet để giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ học, làm quen dần với việc học trên môi trường internet. Tuỳ trường hợp cụ thể, nhất là khi các nhà trường được bàn giao lại cho ngành giáo dục, sẽ tổ chức dạy học trực tiếp.

Phương án 2: Dịch bệnh Covid-19 được Thành phố khống chế và kiểm soát từ cuối tháng 9/2021, từ tháng 10, các cơ sở  giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch, được bàn giao từng bước cho Ngành Giáo dục. Các trường tổ chức dạy- học trên môi trường internet trong thời gian đầu năm học (khoảng 6 đến 10 tuần).

Riêng lớp 1, sẽ xây dựng các đoạn phim bài giảng và đưa lên môi trường internet để giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ học, làm quen dần với việc học trên môi trường internet. Tuỳ trường hợp cụ thể, nhất là khi các nhà trường được bàn giao lại cho ngành giáo dục, sẽ tổ chức dạy học trực tiếp. Sau khi hết giãn cách theo chỉ thị 16, có thể vẫn tiếp tục giãn cách xã hội ở mức thấp hơn như chỉ thị 15, sẽ ưu tiên lớp 1, lớp 2, các lớp đầu và cuối cấp chi nhỏ bố trí học trực tiếp. Các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.

Phương án 3: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đến cuối năm 2021, Thành phố mới khống chế và kiểm soát tốt. Các trường tổ chức dạy học trên môi trường internet trong thời gian học kỳ 1 của năm học 2021-2022. Riêng lớp 1, sẽ xây dựng các đoạn phim bài giảng và đưa lên môi trường internet để giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ học, làm quen dần với việc học trên môi trường internet.

Tuỳ trường hợp cụ thể, nhất là khi các trường được bàn giao lại cho ngành giáo dục, sẽ tổ chức dạy học trực tiếp. Sau khi hết giãn cách theo chỉ thị 16, sẽ ưu tiên lớp 1, lớp 2, các lớp đầu và cuối cấp  chia nhỏ lớp bố trí học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.

Bố trí phụ đạo, ôn tập, củng cố cho học sinh lớp 1 và các lớp cuối cấp  (nhất là lớp 12). Có thể kéo dài thời gian năm học 2021-2022 riêng với các khối lớp này đến cuối tháng 6/2021 nhằm đảm bảo chương trình và kết quả học tập.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện thành phố có 249 trường đang dùng làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, tiêm vắc xin, có 1960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1.

Bình luận