Chờ...

Trường Đại học Kinh tế TPHCM: Chuyển đổi số toàn diện, hướng đến đại học thông minh

(VOH) - Trở thành Đại học thông minh được xem là quá trình tất yếu mà các đại học sẽ phải trải qua trong tương lai. Các đại học Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc thực hiện chuyển từ đại học truyền thống sang đại học thông minh đã và đang được nhiều trường đại học xây dựng chiến lược, triển khai thực hiện ở nhiều mức độ khác nhau.

Liên quan đến vấn đề “Chuyển đổi số toàn diện nhằm hướng đến đại học thông minh” cùng với một số đề xuất giải pháp hướng đến đại học thông minh tại Việt Nam, VOH có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh nội dung này.

Chuyển đổi số toàn diện -  Hướng đến đại học thông minh 1
TS Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Nguồn: UEH

Đại học thông minh là gì?

*VOH: Thưa ông, trở thành Đại học thông minh được xem là quá trình tất yếu mà các đại học sẽ phải trải qua. Các đại học Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Vậy, để trở thành một đại học thông minh, ông có thể phân tích đại học thông minh là gì, so với đại học truyền thống thì đại học thông minh cần những bộ phận cấu thành như thế nào?

TS Bùi Quang Hùng: Khái niệm về đại học thông minh thật ra có nhiều cách tiếp cận. Ở góc độ nhà trường đang làm và đang nghiên cứu, khái niệm đại học thông minh được khái quát là một cơ sở giáo dục đại học định hướng có chuyển đổi số và sử dụng những hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ số để cung cấp các dịch vụ học tập được cá nhân hoá cho người học thuộc mọi thế hệ, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời và phát triển bền vững. Đây là một ý rất quan trọng trong mục đích làm đại học thông minh.

Hay nói đơn giản hơn là “sự thông minh - smart” là các giải pháp đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề và thách thức mà trường đại học đặt ra trong quá trình hoạt động của mình, vì sự phát triển bền vững của trường đại học đó. Có một lưu ý là ở đại học thông minh, công nghệ là công cụ để giúp giải quyết các vấn đề chứ không phải ứng dụng công nghệ đã là thông minh. Các giải pháp có tính đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức của trường đại học thì mới gọi là thông minh.

Khái niệm về đại học thông minh có nhiều cách tiếp cận, nếu chia theo các thành phần, sẽ có gồm: cơ sở hạ tầng thông minh; con người thông minh; người học thông minh (được sử dụng những thiết bị thông minh để phục vụ quá trình học tập của mình); nghiên cứu thông minh (phát triển những chương trình đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết những vấn đề về xã hội); quản lý thông minh (tận dụng công nghệ để quản trị điều hành thông qua văn phòng điện tử hoặc ứng dụng liên quan đến quản lý tài chính, tài sản). Một điểm rất quan trọng nữa là sự ảnh hưởng thông minh, có nghĩa là hoạt động của đại học đó cũng tác động đến cộng đồng xã hội trong việc chuyển đổi số, đồng hành cùng cộng đồng trong chuyển đổi số và tạo ra những đột phá trong hoạt động của cộng đồng, trong phát triển đô thị thông minh, trong sản xuất kinh doanh.

*VOH: Thưa ông, từ những chia sẻ trên, ông có thể cho biết thực trạng triển khai đại học thông minh tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM trong thời gian qua như thế nào?

TS Bùi Quang Hùng: Có thể nói việc chuyển đổi số tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai từ rất sớm, cách đây hơn 10 năm. Đến giờ, Trường có khoảng hơn 60 ứng dụng trong tất cả các hoạt động từ giảng dạy, nghiên cứu và quản trị của nhà trường cũng như những chiến dịch chuyển đổi số phục vụ cho cộng đồng.

Ưu tiên trong giai đoạn 5 năm tới, Trường cũng hướng theo các thành phần của đại học thông minh. Đó là phát triển nền tảng công nghệ số theo hướng bền vững; Thứ hai là phát triển truyền thông kỹ thuật số; Thứ ba là tăng cường trải nghiệm môi trường học tập tại Trường; Thứ tư là nâng cấp hỗ trợ kỹ thuật số trong quản lý, dạy và học; Thứ năm là thúc đẩy quản lý nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và AI; Cuối cùng là phát triển các mối quan hệ cộng đồng. Đơn cử, vừa rồi nhà trường đã có hoạt động hỗ trợ các trường trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học trong bối cảnh Covid-19.

Các giải pháp hướng đến đại học thông minh

*VOH:  Có thể thấy, đại học thông minh chính là đích đến cho việc phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo giáo dục bậc cao trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ những kinh nghiệm đúc kết triển khai tại đơn vị mình, theo ông đề xuất những giải pháp gì hướng đến đại học thông minh tại Việt Nam, thưa ông?

TS Bùi Quang Hùng: Theo quan điểm cá nhân, tôi có một số giải pháp. Thứ nhất, ở góc độ cơ quan quản lý, mình nói rất nhiều về đại học thông minh, những bộ chỉ số hay khuôn mẫu cho một đại học thông minh như thế nào thì chưa có, chưa hoàn chỉnh. Bởi vì đây là cơ sở quan trọng để nhà nước có những mức độ đầu tư nhất định cho các trường đại học, đặc biệt là các đại học công lập đang thực hiện chuyển đổi số.

Thứ hai, như chúng ta đã biết, trong chuyển đổi số thì có ứng dụng công nghệ. Kinh phí cho việc này là công việc đầu tư chứ không phải là việc chi hàng năm. Do đó, nó cần kinh phí rất lớn. Việc này sẽ cần có phần đầu tư của nhà nước, cơ chế xã hội hóa trong việc chuyển đổi số ở trường đại học.

Thứ ba theo tôi rất quan trọng, đó là vai trò của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, các nhà quản lý trong việc thực hiện chuyển đổi số. Nhất là vai trò của người lãnh đạo cấp cao trong việc truyền cảm hứng, chia sẻ tầm nhìn, sự dẫn dắt cũng như hỗ trợ các thành viên nhà trường trong thực hiện chuyển đổi số. Bởi, như đã nói ở trên, việc chuyển đổi số trong trường đại học thì vấn đề công nghệ không quan trọng, yếu tố “mềm” hơn là vấn đề con người mới là quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số.

Thứ tư, cần phải có chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số. Cần nhấn mạnh là mình phải có sự tiếp cận đúng ngay từ đầu để không lãng phí thời gian trong quá trình tiếp cận, trong đầu tư về kinh phí. Quan điểm của mình là cái gì đơn giản làm trước, cái gì phức tạp làm sau, bởi vì quá trình chuyển đổi số cần có thời gian, rất cần sự đồng thuận tăng dần của đội ngũ trong trường đại học.

Thứ năm, cần có công tác truyền thông nội bộ cũng rất quan trọng, vì quyết định nhận thức, sự chủ động sự đồng lòng của toàn bộ đội ngũ nhân sự chấp nhận, đồng thuận sẵn sàng với sự thay đổi liên quan đến chuyển đổi số.

Thứ sáu, cùng với quá trình chuyển đổi số, nhà trường phải xây dựng, áp dụng một mô hình quản trị đại học hiện đại.

Cuối cùng, liên quan đến chuyển đổi số là liên quan đến tính bảo mật những rủi ro, liên quan đến quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin. Đây cũng là vấn đề mà các trường đại học khi chuyển đổi số cũng cần lưu ý.

*VOH: Cám ơn ông

Bình luận