Chờ...

Xây dựng văn hóa học đường trên môi trường học trực tuyến

(VOH) - Chiều ngày 3/11, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Các quan điểm của các chuyên gia về văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số được chia sẻ tại Tọa đàm, đã gợi mở nhiều hướng suy nghĩ và nghiên cứu việc xây dựng môi trường văn hóa học đường hiện nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Có nhiều vấn đề nóng được đặt ra tại tọa đàm như: Có hay không văn hóa học đường trong bối cảnh số hiện nay; Dạy trực tuyến, văn hóa của giáo viên và ảnh hưởng đến văn hóa của người học; Danh xưng giáo viên trên không gian mạng – Vấn đề nhìn nhận từ các tiêu chí đánh giá đạo đức và năng lực nghề; Thách thức của việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến…Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học Việt Nam khẳng định: “Công nghệ thông tin được áp dụng ngày càng rộng rãi trong quá trình dạy học, đem lại những khả năng mới giúp cho người giáo viên sẽ dễ dàng đưa những phần việc vốn chỉ thực hiện được ở ngoài lớp học trong tiết học biểu diễn trực quan, cơ chế các hiện tượng, quá trình trong thế giới vi mô và vĩ mô, cung cấp khối lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, xử lý nhanh chuỗi số liệu phức tạp, làm giảm nhẹ lao động chấm bài kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Người giáo viên trong thời đại mới chắc chắn phải làm chủ được các phương tiện công nghệ thông tin thì mới vận dụng được vào quá trình dạy học. Thầy cô khi làm chủ công nghệ thông tin mới có thể làm chủ được cảm xúc của mình”.

Xây dựng văn hóa học đường trên môi trường học trực tuyến 1
TS Đào Lê Hòa An chia sẻ tại Tọa đàm

Chia sẻ về vấn đề kiến tạo giáo dục trong môi trường ảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong môi trường ảo, người giáo viên, giảng viên có vai trò phát huy tố chất và tri thức nền của người học. Với môi trường ảo, chúng ta có lớp học đảo ngược, người dạy dễ dàng và khách quan hơn trong kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, nhược điểm của dạy trực tuyến ở chỗ hạn chế sự tương tác, kết nối và dẫn đến “nhiễu”. Từ kinh nghiệm cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến cho hay có thể khắc phục bằng việc chuẩn bị công phu của người dạy, giúp giảm độ nhiễu của môi trường ảo. “Chúng ta dạy học trên hệ thống trực tuyến, tức là chúng ta thường xuyên sử dụng mô hình lớp học đảo ngược. Cho nên chúng ta sẽ kết nối được những tri thức và kỹ năng nền đã có sẵn, cũng như tố chất của người học vào trong quá trình giải quyết vấn đề. Trong quá trình thiết kế những bài học trực tuyến, trường chúng tôi luôn quan tâm đến kịch bản dạy học, tổ chức hoạt động như thế nào để nâng cao sự tương tác đối với người học, làm cho người học cảm thấy luôn luôn có sự hiện diện nhận thức ở đây”, Tiến sĩ Xuân Yến cho biết thêm.

Từ góc độ quản lý, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Tân Phú đã có những chia sẻ được đúc kết từ thực tiễn thời gian qua. Theo ông Khiêm, người thầy cần phải làm chủ cảm xúc, cần sự cảm thông thấu hiểu người học trong khi dạy trực tuyến, nhất là sự động viên, khen ngợi học sinh thường xuyên, kịp thời ở bậc tiểu học là vô cùng quan trọng. “Sự động viên ở đây không dừng ở chỗ đúng hay sai, mà là động viên các con đã vượt lên khả năng học tập của mình trong môi trường học tập đó như thế nào. Động viên không chỉ trong tiết học mà cả quá trình dạy học, cả một buổi học. Tôi thường hay nói, nếu buổi học có 4 hay 5 tiết học trực tuyến, nhưng các em chỉ học được 2 tiết thôi thì chúng ta cũng phải cám ơn các em, động viên các em để tiếp tục học trực tuyến. Nếu thiếu sự động viên, quan tâm thì người học sẽ có những bức xúc lo lắng”, thầy Khiêm dẫn chứng.

Xây dựng văn hóa học đường trên môi trường học trực tuyến 2
Tọa đàm Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra trực tiếp và trực tuyến

Theo Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã đến lúc cần phải xem văn hóa học đường là trách nhiệm. Khi bối cảnh mới với dạy học trực tuyến, học liệu số và sự phát triển của giáo dục mở, giáo dục trực tuyến, nếu không cẩn trọng sẽ khó có thể vẽ nên một chân dung văn hóa học đường vì học sinh. Trách nhiệm của chúng ta cần phải đánh giá, hành động và thực hiện bằng trách nhiệm của chúng ta từ vị trí, vai trò nhất là sự tự ý thức, tự trọng bởi tất cả tình yêu thương, nhân văn của chúng ta với con trẻ, học sinh là chuẩn bị cho các em môi trường sống, trải nghiệm, tiếp cận tốt nhất.

Bình luận