Chờ...

Quy định mới nhất về tốc độ tối đa xe máy, xe ô tô

(VOH) – Tốc độ tối đa được phép lưu thông? Phạt bao nhiêu tiền nếu chạy quá tốc độ cho phép? Bài viết bên dưới sẽ cung cấp hình thức xử phạt cho lỗi này với từng loại phương tiện.

Tốc độ tối đa được phép lưu thông có thể hiểu là tốc độ mà người tham gia giao thông bằng các phương tiện như xe ô tô, xe máy… được phép đi trong giới hạn quy định của pháp luật. Trường hợp người tham gia giao thông chạy vượt quá tốc độ cho phép sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính tùy từng mức độ khác nhau.

1. Quy định của pháp luật về tốc độ xe cơ giới (xe máy, xe ô tô, xe mô tô,..)

Căn cứ Điều 7 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có hiệu lực ngày 15/10/2019 quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông như sau:

1.1 Trong khu vực đông dân cư:

Quy định mới nhất về tốc độ tối đa xe cơ giới năm 2020 ảnh 1

Trong khu vực đông dân cư: Người điều khiển phương tiện được phép chạy tối đa 60 km/h đối với đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên. Và tối đa 50 km/h đối với đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

1.2 Ngoài khu vực đông dân cư

Quy định mới nhất về tốc độ tối đa xe cơ giới năm 2020 ảnh 2

Ngoài khu vực đông dân cư: Người điều khiển phương tiện được chạy tối đa 70km/h đối với đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên. Và tối đa 60km/h đối với đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Xe cơ giới bao gồm: Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Xe mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.

Xem thêmTất tần tật những điều cần biết về tín hiệu đèn giao thông trong năm 2020

2. Mức xử lý vi phạm của xe máy và xe ô tô khi chạy quá tốc độ cho phép

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt đối với phương tiện giao thông chạy quá tốc độ, mức xử phạt như sau:

2.1 Đối với ô tô

  • Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
  • Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h;
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h.

2.2 Đối với xe máy

  • Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
  • Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;
  • Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. 

Ngoài ra, người điều khiển có thể vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không chú ý quan sát, điều khiển xe quá tốc độ gây tai nạn giao thông theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 6 Nghị định này.

Để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ cho phép, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe, cùng các biển báo hiệu đường bộ. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải luôn chú ý điều chỉnh tốc độ di chuyển phù hợp với điều kiện của đoạn đường đi, mật độ giao thông, mưa gió, địa hình để xử lý kịp thời các trường hợp xấu có thể xảy ra. 

Bình luận