Chờ...

10 ngành nghề ít người học nhất ở Việt Nam?

VOH - Trong khi một số ngành học đáp ứng được xu hướng chuyển đổi của nghề nghiệp – thu hút mạnh mẽ sinh viên theo học thì cũng những ngành nghề hiện nay vắng bóng sinh viên.

Dưới đây là một số ngành học có ít thí sinh đăng ký ở thời điểm hiện tại.

Ngành Việt Nam học

Ngành Việt Nam học đang được một số trường đang đào tạo như: trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Sư phạm TPHCM…

Ngành học này có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, con người Việt Nam.

Những kiến thức mà ngành học này cung cấp chủ yếu liên quan đến kỹ năng mềm. Do đó, cơ hội việc làm tương đối thấp và chưa được tiếp cận nhiều với các bạn trẻ.

Sau khi ra trường sinh viên thường nộp đơn vào các công ty tư nhân để đảm bảo cơ hội có việc làm.

Ngành Triết học

Triết học là ngành nghiên cứu về những vấn đề cơ bản của con người, thế giới quan, sự tồn tại, quy luật, giá trị, ý thức. Ngành Triết học giúp người học biết cách thức giải quyết vấn đề cũng như phương pháp tiếp cận vấn đề có hệ thống.

TRIẾT HỌC
những năm gần đây tỷ lệ đăng ký nhập học vào khoa Triết ngày càng giảm.

Hiện có nhiều trường đào tạo ngành này nhưng những năm gần đây tỷ lệ đăng ký nhập học vào khoa Triết ngày càng giảm. Nguyên nhân vì đây là một ngành học khó, tính hàn lâm cao kén người học; chỉ tiêu tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học (vốn là nguồn đầu ra thế mạnh của khoa Triết) rất thấp.

Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn  (ĐHQG-HCM), ngành Triết học năm 2018 tuyển 80 chỉ tiêu nhưng được 40 thí sinh, năm 2019 tuyển 80 chỉ tiêu nhưng được 29 thí sinh. Năm 2020, tuyển 63 chỉ tiêu nhưng được 38 thí sinh. Năm 2021, ngành tuyển 60 chỉ tiêu nhưng được 32 thí sinh, năm 2022 tuyển 50 thí sinh, được 49 thí sinh.

Ngành Tôn giáo học

Tôn giáo học là ngành chuyên nghiên cứu về Tôn giáo. Ở Việt Nam có trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) đào tạo ngành này.

Hiện nay ít công việc ứng dụng thực tiễn kiến thức từ ngành Tôn giáo học, nên ngành học này được xếp vào danh sách những ngành nghề ít người học ở Việt Nam.

Ngành Kỹ thuật không gian

Ngành Kỹ thuật không gian đang được một số trường đào tạo: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), trường Đại học Bưu chính Viễn thông, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).

Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức liên quan đến vệ tinh, không gian, khoa học vũ trụ, phân tích dữ liệu. Đây là ngành học mới, nhưng lại có tính ứng dụng trong đời sống rất cao.

Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật không gian khá cao, đòi hỏi sinh viên giỏi các môn Toán, Lý, Anh và được đa số bạn nam lựa chọn theo học. 

Xem thêm: Ngành kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh tại Việt Nam

Ngành Công tác thanh thiếu niên

Mục tiêu đào tạo ngành Công tác thanh thiếu niên đó là đào tạo sinh viên có đủ phẩm chất, chính trị, đạo đức, sức khỏe tốt, nắm vững kiến thức kỹ năng công tác Thanh thiếu niên, có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động thanh thiếu niên chuyên nghiệp ở các cấp, các ngành trong lĩnh vực xã hội.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công tác thanh thiếu niên bạn sẽ làm việc tại các cơ sở hành chính của nhà nước.

Hiện trong cả nước ngành học này chỉ có Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tuyển sinh đào tạo.

Ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân

Tính tới thời điểm hiện tại, chuyên ngành này ở Việt Nam tập trung chủ yếu đào tạo các cán bộ của ngành hoặc những nhà nghiên cứu, thạc sĩ, tiến sĩ công tác tại các cơ quan chuyên môn. Vì thế rất ít trường đại học đào tạo ngành nghề này.

Các sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ được cung cấp nhiều thông tin, kiến thức về cấu trúc nguyên tử, nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn, tác dụng của từ trường, điện trường lên phổ năng lượng nguyên tử, quá trình hấp thụ và bức xạ của nguyên tử…

Trong phần hạt nhân, người học sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản về hạt nhân, lực hạt nhân, sự biến đổi phóng xạ, phản ứng hạt nhân, năng lượng hạt nhân và ứng dụng hạt nhân…

Ngành Hải dương học

Hải dương học là một nhánh của các Khoa học về Trái Đất nghiên cứu về đại dương. Hải dương bao gồm nhiều chủ đề như sinh vật biển và động học sinh thái; hải lưu, sóng biển, và động lực chất lỏng; kiến tạo mảng và địa chất đáy biển; và thông lượng của nhiều chất hóa học và tính chất vật lý trong đại dương và các ranh giới mà nó vận chuyển qua. 

HẢI DƯƠNG HỌC
Hải dương học là một nhánh của các Khoa học về Trái Đất nghiên cứu về đại dương

Ngành Hải dương học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM), trong 4 năm từ 2019-2022, đỉnh điểm năm tuyển cao nhất được một nửa chỉ tiêu. Trong đó, năm 2020, ngành chỉ có 8 thí sinh, đạt tỷ lệ 16% so với chỉ tiêu đề ra là 50. Năm 2019, ngành này tuyển được 21 thí sinh, đạt tỷ lệ 26,25%. Năm 2021, ngành này tuyển được 25 thí sinh đạt tỉ lệ 50%, năm 2022 tuyển được 20 thí sinh đạt 40% chỉ tiêu đề ra.

Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ngành Hải dương học năm 2018 tuyển được 0 sinh viên, năm 2019 tuyển được 2 sinh viên.

Xem thêm: Sau dịch, ngành hàng hải thiếu nhân lực dù lương tăng

Ngành Địa chất

Các ngành thuộc lĩnh vực địa chất như Địa chất học, Kỹ thuật địa chất cũng được liệt vào danh sách ít người học.

Trong 4 năm liên tiếp, từ 2019-2022, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM) chưa năm nào tuyển được 1/4 chỉ tiêu đề ra cho ngành này. Số chỉ tiêu tuyển sinh theo đó cũng được điều chỉnh giảm dần hàng năm.

Năm 2019, ngành thu hút 28 thí sinh, đạt tỷ lệ 17,5% so với chỉ tiêu đặt ra là 160 thí sinh. Năm 2020, ngành tuyển được 20 thí sinh đạt 20% so với chỉ tiêu là 100. Năm 2021, tuyển được 21 thí sinh đạt 21% so với chỉ tiêu đặt ra là 100. Năm 2022, ngành có 11 thí sinh đạt 22% so với chỉ tiêu đặt ra là 50.

Với ngành Kỹ thuật địa chất tại trường này, năm 2022, tuyển được nhiều nhất 10 thí sinh, đạt 33,3% so với chỉ tiêu 30. Năm 2021, ngành chỉ tuyển được 9 thí sinh đạt 30% so với chỉ tiêu 30. Năm 2020, ngành Kỹ thuật địa chất tuyển được 4 thí sinh, đạt 8% so với chỉ tiêu 50. Đặc biệt, năm 2019, ngành không có thí sinh nào nhập học. 

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ngành Địa chất học, năm 2021 tuyển 100 chỉ tiêu nhưng được 15 thí sinh. Đến năm 2022, ngành này tuyển 50 chỉ tiêu nhưng được 4 thí sinh.

Ngành Khí hậu

Khí tượng và khí hậu học là chuyên ngành khoa học nghiên cứu về khí hậu, thời tiết nhằm theo dõi và dự báo khí hậu, thời tiết; những biểu hiện thời tiết là những sự kiện quan sát và giải thích được bằng khí tượng học. 

Một số trường đào tạo ngành này là trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ngành Khí tượng và Khí hậu học, năm 2021 tuyển 50 chỉ tiêu nhưng được 18 thí sinh. Đến năm 2022, ngành này cũng tuyển 50 chỉ tiêu nhưng chỉ có 12 thí sinh. Ngành Thuỷ văn học, năm 2021 tuyển 50 chỉ tiêu, được 3 thí sinh. Năm 2022, tuyển 50 chỉ tiêu, được 4 thí sinh.

Cũng tại trường này, một ngành đặc thù khác như Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, năm 2021 chỉ tiêu tuyển 50 nhưng không có thí sinh ứng tuyển. Đến năm 2022, chỉ tiêu là 50 nhưng cũng chỉ được 5 thí sinh.

Ngành Khoa học đất 

Ngành Khoa học đất là ngành nghiên cứu chuyên sâu về tài nguyên đất trên địa cầu. Các lĩnh vực nghiên cứu của ngành gồm: Nghiên cứu quá trình hình thành đất, phân loại và xây dựng bản đồ đất; các thuộc tính vật lý, hóa học, sinh học và độ phì nhiêu của đất; cũng như nghiên cứu các thuộc tính này trong mối liên hệ với việc sử dụng và quản lý đất đai…

Đây là một trong những ngành thuộc ngành khoa học cơ bản, khó tuyển sinh bởi ngành này khó học, khó kiếm việc làm. Đặc biệt, nếu sinh viên ra trường kiếm được việc làm, mức lương không cao.

Bình luận