Chờ...

Liệu điều dưỡng viên có bị thay thế bởi robot, AI?

VOH - AI, robot đã đi được một chặng đường dài, với nhiều công nghệ hỗ trợ giúp nâng cao khả năng điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Nhưng liệu robot, AI có thể thay thế được các điều dưỡng viên?

Robot, AI hỗ trợ sâu rộng trong lĩnh vực điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân

Cho đến năm 2023, robot, AI giúp ích nhiều cho tình trạng thiếu điều dưỡng trên toàn thế giới. Công nghệ được phát triển, cải tiến và sử dụng trong các khía cạnh của chăm sóc sức khỏe, từ điều trị đến chăm sóc phục hồi chức năng. 

Việc sử dụng robot trong điều dưỡng và các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác đã góp phần cải thiện độ chính xác và tốc độ phát hiện bệnh để cải thiện việc chăm sóc cuối đời bằng cách giúp mọi người duy trì sự độc lập trong thời gian dài hơn.

robot
Robear là một người máy đang được Viện nghiên cứu Riken Nhật Bản phát triển để phục vụ những người bệnh không có khả năng tự di chuyển. - Ảnh: The Guardian

Do dân số già ngày càng gia tăng trên toàn cầu, ước tính khoảng 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi cũng tăng cao. 

Đây là lý do để nhiều quốc gia đầu tư cho việc thiết kế và phát triển robot chăm sóc sức khỏe trong ngành điều dưỡng, được trang bị trí tuệ siêu nhân tạo (ASI) và có khả năng thực hiện các biện pháp can thiệp điều dưỡng cũng như các nhiệm vụ bình thường trong môi trường bệnh viện.

Để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi với hiệu quả và độ chính xác, robot trong điều dưỡng đã được định nghĩa là “các hệ thống cơ, điện và cơ chế điều khiển được sử dụng bởi những người vận hành đã được đào tạo trong môi trường chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp nhằm thực hiện các nhiệm vụ tương tác trực tiếp với bệnh nhân, y tá, bác sĩ và các cơ quan y tế khác”.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, robot điều dưỡng có thể “đóng vai trò là nhân viên chăm sóc sức khỏe bổ sung trong bệnh viện, cơ sở chăm sóc người già và tại nhà”. 

Robot trong ngành điều dưỡng có thể thực hiện các nhiệm vụ hậu cần và thể chất tốn nhiều công sức, chống lại sự cô đơn và ít vận động ở người lớn tuổi hoặc có thể được giao các nhiệm vụ thường ngày như đo các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.

Công nghệ vẫn không thể thay thế điều dưỡng

Mặc dù đã tạo ra nhiều bước đột phá trong chăm sóc y tế, nhưng robot, AI chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế điều dưỡng viên một cách hoàn toàn.

Phụ thuộc vào các thuật toán máy móc được lập trình sẵn, robot, AI thiếu lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và hỗ trợ về mặt tinh thần mà các điều dưỡng mang đến cho bệnh nhân trong những thời điểm khó khăn.

Mặc dù robot, AI được thiết kế để có thể phân tích rất nhiều dữ liệu và dự đoán mức độ bệnh của bệnh nhân nhưng các điều dưỡng viên có thể phát hiện các dấu hiệu quan trọng của bệnh nhân. Họ quan sát ngoại hình của bệnh nhân, ngửi thấy mùi không tự nhiên từ cơ thể bệnh nhân và có thể sử dụng những điểm dữ liệu sinh học này để dự đoán rằng có điều gì đó không ổn. 

điều dưỡng
Robot không thể thay thế các điều dưỡng viên trên nhiều khía cạnh

Robot, AI không thể thay thế nhưng có thể hỗ trợ rất tốt cho công việc của các điều dưỡng viên và nhiều bệnh viện trên thế giới đã làm điều này.

Tại Nhật Bản, robot giống con người đã được sử dụng trong nhiều năm với vai trò là nhân viên chăm sóc sức khỏe bổ sung tại các viện dưỡng lão trên khắp đất nước. Gần đây, các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu giới thiệu robot điều dưỡng và các công cụ AI chăm sóc sức khỏe khác. 

Những cỗ máy robot lớn có thể được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ thể chất nặng nhọc như di chuyển bệnh nhân và những robot tương tác nhỏ hơn đang được sử dụng để chống lại sự cô đơn và lười vận động ở người già. 

Các điều dưỡng viên sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc nhân ái, đưa ra các đánh giá lâm sàng bằng tư duy phản biện và áp dụng kinh nghiệm của họ. 

Trong khi đó, robot có thể giảm căng thẳng và tăng hiệu quả chăm sóc sức khỏe bằng cách thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, tốn thời gian và thường ngày giúp điều dưỡng rảnh tay để thực hiện các biện pháp can thiệp chuyên biệt hơn.

Nhân lực ngành điều dưỡng vẫn đang thiếu hụt

Không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng viên trong lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng lão hóa dân số tại nhiều quốc gia đang dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng điều dưỡng viên và y tá làm việc tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Các quốc gia như Đức, Canada, Nhật Bản… đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng một cách trầm trọng và phải phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài.

Đặc biệt, tại Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ dân số già hóa cao nhất thế giới, thách thức về nguồn nhân lực điều dưỡng lại càng lớn.

Dự báo, Nhật Bản phải đối mặt với sự thiếu hụt khoảng 370.000 người chăm sóc vào năm 2025. Chính phủ nước này muốn tăng cường sự chấp nhận của cộng đồng đối với công nghệ có thể giúp lấp đầy khoảng trống trong lực lượng điều dưỡng. Đồng thời, buộc phải đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ cũng như học bổng để thu hút nhân lực cho lĩnh vực này từ nước ngoài.

Xem thêm: Trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại TPHCM đào tạo bác sĩ đa khoa

Tờ Peiner Allgemeine Zeitung cho biết: "Tại Đức có 3,4 triệu người sống lệ thuộc vào chăm sóc y tế, nhưng điều dưỡng viên đang rất thiếu. Cả nước Đức cần có thêm 40.000 điều dưỡng viên, nhưng tính trung bình cứ 100 chỗ làm còn trống, thì chỉ có 19 ứng viên".

Kinh tế phát triển nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao và dân số già là những lý do chính khiến cung không thể đáp ứng được cầu ở đất nước này.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, nhân lực điều dưỡng chiếm đến 70% nhân lực y tế. Tỷ lệ trung bình là 1,5 điều dưỡng viên/1 bác sĩ, trong khi đó chuẩn của Bộ Y tế là cứ 1 bác sĩ phải có 3 - 3,5 điều dưỡng viên.

Ngành Y tế Việt Nam cần ít nhất 260.000 điều dưỡng để đảm bảo sự phục vụ tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam mới chỉ có khoảng 140.000 điều dưỡng viên. 

Bình luận