Chờ...

Chịu tác động của kinh tế thế giới, doanh nghiệp làm gì để tồn tại?

(VOH) - Trước những khó khăn thách thức hiện nay, bên cạnh tái cấu trúc sản xuất, đội ngũ nhân sự, các doanh nghiệp còn chủ động đa dạng mẫu mã, tích cực tìm kiếm thị trường ngách lâu nay bỏ quên.

Lượng đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành gỗ đã giảm mạnh từ quý 4/2022 đến nay với mức trung bình khoảng 50%. Một trong những thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam là châu Âu lại giảm mạnh nhất khi kinh tế các nước thuộc khu vực này vẫn khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.

Thị trường Mỹ cũng chưa có dấu hiệu hồi phục và nhiều đối tác cho biết đang chờ thêm tín hiệu mới như chính sách về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các nước tiêu thụ truyền thống như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng Giám đốc công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Lâm sản Sài Gòn nhìn nhận: Các doanh nghiệp ngành gỗ sẵn sàng cạnh tranh và vượt khó. Để tăng năng lực sản xuất, hạ giá thành để giành lấy nhiều đơn hàng nhất từ các nước trên thế giới, ngành gỗ đã tái cấu trúc, chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng kỳ vọng nhanh nhất là từ giữa quý 2/2023 trở đi đơn hàng có thể hồi phục hơn quý đầu năm.

Tổng Giám đốc công ty Kettle Interior Asia, ông Cao Văn Đồng, cho hay sản xuất lúc trước đòi hỏi số lượng lớn nhưng hiện nay doanh nghiệp chấp nhận cả các đơn hàng nhỏ, bên cạnh đó đàm phán và linh hoạt giảm giá đối với các đối tác lâu dài.

Chịu tác động của kinh tế thế giới, doanh nghiệp làm gì để tồn tại? 1
Ảnh minh họa

Thị trường ngành dệt may cũng đã đối diện với khó khăn từ quý 3/2022 và dự báo khó khăn này sẽ kéo dài đến hết năm 2023.

Tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng thời trang tồn kho của các hãng ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng cũ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jean chia sẻ giải pháp trước mắt và lâu dài của doanh nghiệp là tiếp tục chuyển đổi số và tái cấu trúc lại để phù hợp với tình hình thực tế và ứng dụng công nghệ để chuẩn bị cho sự cạnh tranh trong năm 2023.

Hiện các doanh nghiệp trong nước kết nối với nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, có lúc chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao để đảm bảo sản xuất liên tục, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia cũng nhận định, những khó khăn từ thị trường có thể sẽ giảm dần vào quý 2, quý 3, sau đó thị trường xuất khẩu sẽ khởi sắc. Các doanh nghiệp cần chủ động theo sát tình hình và tích cực chuyển đổi, đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Bình luận