Chờ...

Đầu tư nhà ở xã hội là giải pháp giúp phá băng thị trường bất động sản?

(VOH) - Đầu tư nhà ở xã hội hiện được các chuyên gia và cơ quan quản lý cho là một giải pháp giúp phá băng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, xây nhà giá rẻ là thách thức không nhỏ cho các bên.

Tại cuộc họp với Bộ Xây dựng ngày 10/3 về đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nhà nước phải bảo đảm giá nhà phù hợp thu nhập, các chính sách về nhà ở xã hội cần đánh giá dựa trên nhu cầu, khả năng mua của người dân.

"Các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định được vay tiền mua nhà, thuê nhà với mức lãi suất thấp" - lãnh đạo Chính phủ đề nghị.

nhà ở xã hội
Theo Phó thủ tướng, Nhà nước phải bảo đảm giá nhà phù hợp thu nhập, các chính sách về nhà ở xã hội cần đánh giá dựa trên nhu cầu, khả năng mua của người dân.

Đọc thêm: Triển khai quyết liệt Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu quan điểm, Nhà nước sẽ giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Do đó những khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển loại hình nhà ở này sẽ theo hướng "lấy đầu tư công về hạ tầng cơ bản để dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân".

Ông lưu ý, các dự án nhà ở xã hội cần được tính toán đồng bộ, dự báo chính xác để đưa vào quy hoạch đất đai, xây dựng và phát triển đô thị. Quy hoạch các khu công nghiệp phải đi kèm với quy hoạch, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để có thể hình thành khu đô thị mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng.

Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cần đủ năng lực, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Chính sách thuê, mua nhà ở xã hội cần linh hoạt để công nhân gắn bó với doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Xây dựng giảm mục tiêu đề án xây nhà ở xã hội, từ 1,4 triệu căn xuống còn hơn một triệu và vốn thực hiện cũng bớt 208.500 tỷ đồng, tức chỉ cần 849.500 tỷ đồng.

Với nguồn lực thực hiện giảm so với trước, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tăng huy động nguồn lực xã hội, hạn chế dùng tiền ngân sách và đưa ra các cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư nhà ở xã hội.

Bình luận