Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, kinh tế TPHCM trong 8 tháng năm 2023 có những tín hiệu tích cực từ các ngành công nghiệp, bán lẻ hàng hóa và vận tải.
Ngành công nghiệp TPHCM đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại TPHCM tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Có 20/30 ngành có chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của 8 tháng tăng so cùng kỳ năm 2022. Một số ngành có mức tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất xe có động cơ; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết: “Về chỉ số sản xuất và ngành công nghiệp, Thành phố tăng gần 2,8% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu, chỉ số sản xuất công nghiệp thì Thành phố tăng là 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Tổng doanh thu du lịch tăng hơn 44% và khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng gần 24%.”
Trong đó, ngành hóa dược; ngành cơ khí; ngành sản xuất hàng điện tử; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống đều có biến động theo chiều hướng khác nhau.
Trong tỉ lệ tăng chung của toàn ngành công nghiệp, TPHCM ghi nhận một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 8 tháng năm 2023 tăng cao so với kỳ năm 2022.
Điểm sáng của kinh tế TPHCM còn đến từ ngành bán lẻ hàng hóa.
Trong 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 515 ngàn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt gần 4.044 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Chương trình khuyến mại tập trung đã giúp nâng tổng số doanh thu bán buôn, bán lẻ tăng hai con số - lần đầu tiên sau nhiều tháng. Đây là những tín hiệu tốt cho thấy thị trường trong nước đang từng bước phục hồi.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận định: “Các chương trình khuyến mại tập trung phát huy tác dụng, nâng tổng số doanh thu bán buôn bán lẻ lần đầu tiên sau nhiều tháng tăng hai con số. Đây là những cái tín hiệu tốt trong phục hồi thị trường trong nước, trong khi xuất khẩu vẫn còn khó khăn.”
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 8 tháng qua ước đạt 113 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ.
Về du lịch, tổng doanh thu du lịch và lượng khách quốc tế, nội địa trong 8 tháng tăng cao nhưng trong tháng 8 lại ghi nhận mức tổng doanh thu du lịch của Thành phố giảm 12% so với cùng kỳ, khách quốc tế đến thành phố cũng giảm hơn 22%, khách nội địa cũng đã giảm trên 6%.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố cho hay: “Giai đoạn 15/3/2022 Thành phố bắt đầu mở cửa hoàn toàn cho khách quốc tế và nội địa. Trong giai đoạn tháng 8, tháng 9/2022 vẫn còn thuộc giai đoạn bùng nổ của du lịch sau đại dịch. Đặc biệt khách quốc tế độ trễ thường 5 - 6 tháng sau khi mở cửa sẽ tăng mạnh, đến thời điểm hiện nay, tháng 8 vẫn là giai đoạn thấp điểm của cả khách quốc tế và nội địa.”

Theo ông Phan Minh Lê, Phó Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM, tháng 8 năm 2023, số thu ngân sách từ các mặt hàng xuất nhập khẩu đạt 8.658 tỷ đồng.
Trong đó, xăng dầu nhập khẩu là 3,08 triệu tấn, kim ngạch có thuế giảm 2,48 tỉ đồng; máy vi tính và các mặt hàng điện tử có thuế là 1,04 tỉ đồng, giảm 36,7%; sắt thép xuất nhập khẩu cũng giảm 37,8%. Dự báo số thu đến hết tháng 8 đạt 10.468 tỉ đồng. Dự báo số thu tháng 9 năm nay sẽ đạt ước là 9.277 tỉ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Về công tác thu chi ngân sách thành phố, bà Phan Thị Hồng - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay, tháng 8 dự toán tăng 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách 8 tháng chỉ bằng hơn 93% so với cùng kỳ.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách và cân đối ngân sách thành phố, bà Hồng cho biết Sở Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình thu chi, triển khai các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, nuôi dưỡng nguồn thu, hạn chế nợ thuế phát sinh.
Sở Tài chính cũng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương để xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 98 của Chính phủ.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, thành phố đã ban hành Nghị quyết 08 về phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết 12 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030.
Ông Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương và sở ngành cụ thể hóa và triển khai các nhóm nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra trong hai nghị quyết này.
Thành phố đang khẩn trương thực hiện công tác lập quy hoạch. Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã tổ chức khảo sát sông Sài Gòn và bay trực thăng để có cái nhìn tổng quan về quy hoạch TPHCM.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần có tư duy đổi mới, đột phá trong tổ chức quy hoạch để sắp xếp lại không gian đô thị, sản xuất, công cộng và không gian xanh.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM nhận định vẫn còn chậm. Đến ngày 25/8, TPHCM mới chỉ giải ngân được 19.000 tỷ đồng, đạt 28% chỉ tiêu giao.
Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương và sở ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ vướng mắc từng dự án, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc bố trí vốn đầu tư công, như chương trình giảm nghèo bền vững, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% cho cả năm 2023, lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, sở ngành Thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc nhanh chóng hơn, điều hành quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc công việc, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy nhiệm vụ được giao.