Chờ...

Làm nông nghiệp công nghệ cao

(VOH) - Thời gian qua, nông nghiệp thành phố tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến xuất hiện với quy mô sản xuất lớn, có hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình

Với quy mô khoảng 5ha, vườn lan Huyền Thoại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi của bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền được đầu tư xây dựng bài bản, hợp lý để phục vụ tốt nhất cho việc trồng lan. Vườn có khoảng 140.000 gốc lan mokara với nhiều chủng loại, màu sắc phong phú, đa dạng, như đỏ, vàng chanh, vàng đồng, tím… Ngoài ra, còn có vài chục ngàn gốc dendrobium đang khoe sắc trong vườn. Hàng tuần, vườn lan có thể cung cấp từ 20.000-30.000 cành lan mokara cho thị trường.

Một vườn lan ở Củ Chi. Hình: DNVN

Vườn lan ở đây được đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động hiện đại, giúp việc sản xuất rất thuận lợi, tiết kiệm nước, công sức lao động.

Việc xây dựng nhà lưới còn giúp giữ ẩm và nhiệt độ ổn định cho cây. Thành công trong việc sản xuất đã giúp vườn lan Huyền Thoại được nhiều người biết đến, là địa điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân.

Bà Huyền còn liên kết với các nhà vườn khác thành lập Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại. Bà chia sẻ: Hợp tác xã tuy mới thành lập, hoạt động trong thời gian ngắn nhưng kết quả hoạt động đã đem lại lợi nhuận cho các thành viên, tạo sự gắn kết, đoàn kết giữa các thành viên với nhau. Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích sản xuất, và có cùng tâm huyết, quyết tâm phát triển mô hình trồng lan mokara cắt cành theo hướng chuyên canh cánh đồng mẫu lớn, có áp dụng công nghệ cao, gắn liền với việc mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai, nhân rộng ở nhiều địa phương. Trên diện tích 8.000m2, trang trại dưa lưới Lê Hoàn Vũ ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn của ông Lê Nguyễn Cẩm Tú được xây dựng từ năm 2015, với hệ thống nhà màng hiện đại theo công nghệ Israel, trang bị đầy đủ hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động tưới nước, cung cấp dưỡng chất phù hợp, tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng để cây phát triển tốt, cũng như có hệ thống cảm biến để đo độ ẩm, nhiệt độ của nhà màng.

Trang trại hoạt động theo quy trình khép kín, do ông Tú tự thiết kế, xây dựng nhà màng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Dưa lưới của trang trại đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Năng suất tăng

Ông Lê Nguyễn Cẩm Tú cho biết: thay vì trồng theo lối truyền thống, thủ công ngày xưa, mình ứng dụng công nghệ cao với đưa vô nhà màng thì sản lượng có khi gấp 2 hoặc gấp 3 lần. Vì trồng truyền thống sẽ chịu ảnh hưởng của nhiệt độ, mưa, nắng, gió, phụ thuộc vào thời tiết nhiều. Còn khi mình đưa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào rồi thì mình làm tốt hơn.

Cũng tập trung phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ông Huỳnh Đoàn Thông, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi ngoài sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường Nhật Bản, còn thành lập Công ty TNHH Chánh Phong để sản xuất hạt giống.

Nằm trong khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố với diện tích 2 ha, công ty đã đầu tư xây dựng nhà màng bảo vệ cây trồng, chống lại côn trùng, chống mưa gió, cũng như trang bị hệ thống điều khiển vi khí hậu, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của nước ngoài để cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây.

Ngoài ra, còn có phòng kiểm tra giống, phòng thí nghiệm và nhiều máy móc phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất giống như máy cung cấp dinh dưỡng, máy đo độ đường, độ ngọt… Công ty đã tạo ra các giống mới, chất lượng tốt, có thời gian ngắn hơn so với phương pháp lai tạo truyền thống. Công nhân có thể lai được 8.000-9.000 bông/ngày, trong khi phương pháp cũ chỉ lai được 200-300 bông.

Mỗi năm công ty có thể sản xuất khoảng 10 tấn hạt giống, gồm các giống ớt, ớt hiểm, giống cà tím, khổ qua… cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Theo ông Huỳnh Đoàn Thông, nếu không có kiến thức thì không thể nào làm nông nghiệp công nghệ cao được. Ở trong khu Nông nghiệp công nghệ cao họ cũng tổ chức những lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân hoặc những người có ý định sản xuất nông nghiệp

Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cần có những cơ chế, chính sách hợp lý, hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó, tạo động lực cho nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố phát triển hiệu quả, bền vững.    

Bình luận